Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới vùng cao

07:13 - Thứ Tư, 03/08/2022 Lượt xem: 3497 In bài viết

ĐBP - Phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từng bước phát triển vùng sản xuất tập trung… nên giá trị sản xuất nông nghiệp của một số huyện vùng cao thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, đời sống của người dân và hạ tầng nông thôn cũng thay đổi.

Người dân thôn Quyết Tiến, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/HU ngày 8/4/2021 của Huyện ủy Nậm Pồ về việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu, ban hành Kế hoạch số 1335/KH-UBND ngày 5/7/2021 để thực hiện Nghị quyết. Kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu các văn bản chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp, cảnh báo thiên tai và các điều kiện thời tiết bất lợi, kịp thời cung cấp thông tin giúp bà con nông dân chủ động trong công tác sản xuất, phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết và Kế hoạch.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Trong năm 2021 và quý I năm 2022, các chỉ tiêu Nghị quyết đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 8.869,74ha (đạt 96,3% chỉ tiêu Nghị quyết); tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 22.442,4 tấn (đạt 93,7%). Tổng đàn gia súc toàn huyện đạt 73.818 con (đạt trên 101%); gia cầm các loại 205.826 con (đạt 102,17%). Đến nay, toàn huyện có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (Chà Nưa); 1 xã đạt 18 tiêu chí (Chà Cang); 1 xã cơ bản đạt 17 tiêu chí (Nà Hỳ); bình quân đạt 11,53 tiêu chí/xã (đạt 100% kế hoạch đề ra). Toàn huyện có 1 sản phẩm OCOP (Mật ong Chà Nưa) được chứng nhận hạng 3 sao.

Tương tự, xác định phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM, huyện Tủa Chùa đã triển khai các hoạt động cụ thể thông qua nhiều dự án, mô hình sản xuất.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Trong những năm qua, để tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM, nông nghiệp huyện xác định phát triển kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị kinh tế và bền vững là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp như: Tổ chức sản xuất nông thôn theo hướng hàng hóa, phát huy lợi thế từng vùng; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng chuyển dịch kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ, phát triển kinh tế hợp tác; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập dân cư khu vực nông thôn… Qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân, từng bước hoàn thành xây dựng các tiêu chí NTM.

Thực hiện Đề án chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Tủa Chùa đã xác định 20 sản phẩm chủ lực có thế mạnh cần quy hoạch phát triển sản xuất tập trung thành vùng hàng hóa như: Khoai sọ tím, chè shan tuyết, đậu đỏ, đậu Hà Lan, cây lược liệu, dê, lợn, gà địa phương, thịt hun khói... Để phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức tham gia, huyện Tủa Chùa ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, nguồn vốn chương trình NTM, vốn hỗ trợ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để hỗ trợ phát triển tạo vùng sản xuất tập trung phù hợp với từng địa phương. Trong đó tập trung phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Su su, chanh leo (xã Trung Thu); xoài Thái Lan (xã Xá Nhè, Sính Phình); lê VH 6 (xã Lao Xả Phình), sa nhân (xã Tủa Thàng, Mường Đun), cá rô phi đơn tính (xã Mường Báng, Mường Đun); rau an toàn (xã Mường Báng); chè shan tuyết (xã Sính Phình); mắc ca (xã Mường Báng, Mường Đun)... với tổng số vốn hỗ trợ gần 10 tỷ đồng. Đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp huyện trung bình tăng 4%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản bình quân đạt từ 6%/năm. Hiện nay huyện Tủa Chùa tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, xúc tiến thương mại 4 sản phẩm đã được công nhận xếp hạng 3 sao năm 2019 - 2020 theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đến năm 2022, bình quân các xã của huyện đạt 11,45/19 tiêu chí NTM, 3 xã: Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng cơ bản đạt từ 13 - 16 tiêu chí, 8 xã còn lại cơ bản hoàn thành từ 10 tiêu chí trở lên.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top