Hỗ trợ nâng cao năng lực các chủ thể OCOP

07:22 - Thứ Hai, 29/08/2022 Lượt xem: 1781 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua tỉnh đã tập trung triển khai, hỗ trợ, thu hút các chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân) tham gia. Tuy nhiên, để các chủ thể phát triển, nâng tầm sản phẩm OCOP, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đồng hành.

Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao, Hợp tác xã Ong mật Điện Biên tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 44 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (gồm 2 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao) của 28 chủ thể tham gia (15 chủ thể là hợp tác xã, 7 chủ thể là doanh nghiệp, các chủ thể còn lại là cơ sở sản xuất kinh doanh). Đa số các sản phẩm OCOP phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có và phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, bí xanh Tìa Dình... do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Một số sản phẩm đã phát triển với quy mô lớn, đang từng bước khẳng định giá trị, chất lượng và thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, hình thức hoạt động của các chủ thể còn mang tính tự phát, chưa xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển lâu dài; cơ cấu tổ chức bộ máy, việc phân công công việc và bố trí nhân lực còn nhiều bất cập. Đa số các chủ thể có quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm xuất bán ra thị trường mới ở mức bán tươi, sơ chế hoặc chế biến đơn giản chưa có chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Thiếu các máy móc chế biến và nhà kho để bảo quản, dự trữ hoặc có thì cũng ở quy mô nhỏ; các chủ thể thiếu vốn để duy trì sản xuất và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mua thiết bị sản xuất.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, hiện nay trong số 28 chủ thể OCOP thì chỉ có 13 chủ thể đã và đang liên kết với người dân để xây dựng vùng nguyên liệu, còn 6 chủ thể có hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm; các chủ thể còn lại tự sản xuất, thu mua sản phẩm. Song các liên kết chỉ dừng ở hình thức thu mua nguyên liệu từ các hộ dân và sau đó các chủ thể sơ chế, chế biến thành sản phẩm. Hình thức liên kết này thiếu sự tác động qua lại giữa chủ thể và hộ dân, không tạo được sự ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên nên rất dễ bị phá vỡ khi có tác động của bên thứ ba hoặc xung đột lợi ích. Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường của các chủ thể còn hạn chế. Hiện chỉ có 8 chủ thể có điểm trưng bày giới thiệu, bán hàng riêng; sản phẩm đã từng bước đưa vào các siêu thị lớn và có thị trường ổn định. Các chủ thể còn lại chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua các hợp đồng thời vụ hoặc đại lý bán lẻ nên tính bền vững không cao. Đơn cử như huyện Điện Biên Đông đã có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn khô. Chủ thể các sản phẩm OCOP trong huyện có nguồn lực còn hạn chế nên chỉ dừng lại ở bước thu mua, chưa liên kết tiêu thụ sản phẩm được nhiều... Đây là một trong những yếu tố khiến các đặc sản của địa phương chưa phát huy được giá trị.

Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 có ít nhất 90 - 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; có 5 - 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao chất lượng các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP tỉnh, trong đó phát triển mới ít nhất 30 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã). Trong giai đoạn này xác định 225 sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp tiềm năng tham gia Chương trình OCOP (du lịch cộng đồng, thảo dược, nội thất...). Để đạt mục tiêu thời gian tới cần đồng bộ các biện pháp hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ thực chất hơn đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; hướng dẫn tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là về tín dụng, khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể cần chủ động xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm đã được chứng nhận thông qua việc liên kết với các hộ dân; mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất, chế biến; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chế biến sâu sản phẩm đã có để nâng cao giá trị; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh phân phối.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top