Mô hình tốt - cách làm hay

Tạo sinh kế cho người dân

08:18 - Thứ Sáu, 02/09/2022 Lượt xem: 2015 In bài viết

ĐBP - Nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) bước đầu đã mang lại hiệu quả. Hiện xã đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng sa nhân, từng bước khai thác hiệu quả đất đai, tài nguyên rừng, góp phần phát triển rừng bền vững.

Lãnh đạo xã Mường Pồn kiểm tra diện tích trồng cây sa nhân ở bản Lĩnh.

Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, xã Mường Pồn tiến hành trồng thử nghiệm 3,33ha cây sa nhân tím với 12 hộ dân thuộc bản Lĩnh tham gia trồng. Các hộ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sa nhân. Nhờ gần nguồn nước và là nơi không chăn thả gia súc nên sa nhân tím trồng tại bản Lĩnh sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống gần 100%. Nhận thấy đây là giống cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tự nhiên, từ năm 2019 đến nay, thông qua nguồn vốn các chương trình, dự án như: Chương trình 135, chương trình hỗ trợ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Trung ương, chuỗi liên kết của Công ty Giống Tây Bắc, xã đã mở rộng diện tích trồng sa nhân lên 29ha, tập trung chủ yếu tại bản Lĩnh và bản Mường Pồn 2.

Anh Lường Văn Bình, Bí thư Chi bộ bản Lĩnh, xã Mường Pồn cho biết: Ban đầu chỉ có 12 hộ tham gia trồng cây sa nhân. Trong quá trình triển khai thí điểm có kết quả khả quan, vì vậy nhiều hộ đã bắt đầu tham gia trồng, đến nay, toàn bản có 52 hộ trồng với 13,8ha. Năm nay, cây sa nhân đã cho quả nhiều hơn. Sắp tới, bà con sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng cây sa nhân.

Sa nhân tím là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư lại tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, không tốn nhiều công chăm sóc, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Cây phát triển, rễ lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể cho thu hoạch từ 10 - 12 năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc tận dụng trồng sa nhân tím xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Cây sa nhân ra quả theo chùm, để thu hoạch có hiệu quả, người dân tích cực đi rừng kiểm tra cây để thu hái đúng thời điểm, đảm bảo chất lượng quả chín đều đẹp, thương lái sẽ thu mua với giá cao hơn.

Anh Lù Văn Liêm, bản Lĩnh, xã Mường Pồn chia sẻ: Cây sa nhân không tốn nhiều công chăm sóc, bón phân, chỉ phải đi phát cỏ vào mùa mưa. Sau khi thu hoạch xong thì tỉa cây già; quả sa nhân thu hoạch đến đâu là có thương lái thu mua luôn đến đó hoặc tôi đem về phơi khô. Năm 2021, sa nhân tươi được thu mua tận nơi với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/1kg. Xã Mường Pồn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ dân cách thức thu hoạch và bảo quản sau thu, vừa đảm bảo chất lượng quả vừa tránh không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Hiện nay, toàn xã đã trồng được 29ha cây sa nhân tím ở bản Lĩnh và Mường Pồn 2. Năm 2022, xã đang trồng thêm khoảng 8ha ở bản Tin Tốc và tiếp tục mở rộng thêm diện tích ở bản Lĩnh để thời gian tới sa nhân tím sẽ là sản phẩm OCOP và hướng đi xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân trong xã.

Phát triển cây sa nhân tím, người dân xã Mường Pồn được hưởng lợi ích kép từ rừng, vừa góp phần bảo vệ rừng trên địa bàn, đồng thời cũng là cây trồng mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top