Khai thác mủ cao su gắn với bảo vệ môi trường

07:04 - Thứ Sáu, 09/09/2022 Lượt xem: 4710 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp trồng cao su, gồm: Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên và Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé. Những năm qua các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp, chủ động áp dụng nhiều công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường vào quá trình sản xuất. Qua đó, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người lao động, môi trường sống.

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé sắp xếp mủ quy khô tại kho, tránh ảnh hưởng môi trường.

Hiện nay, 2 công ty cao su trên địa bàn tỉnh đang quản lý gần 5.000ha cao su, chủ yếu trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ. Trong đó, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên quản lý hơn 3.700ha; diện tích còn lại thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé. Tổng diện tích đã đưa vào khai thác khoảng 3.500ha. Xác định việc khai thác, thu gom mủ, tập kết và vận chuyển đi chế biến dễ tác động xấu đến môi trường, vì vậy các doanh nghiệp chú trọng triển khai các giải pháp bảo vệ môi sinh môi trường, nhất là khu vực người dân sống trong khu vực vùng đệm.

Ông Nguyễn Hữu Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé cho biết: Trong năm 2021, diện tích vườn cây cho khai thác mủ hơn 613ha, sản lượng mủ đạt 638,08 tấn. Tuy nhiên, do hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến mủ cao su, vì vậy hiện đơn vị đang phải thu gom mủ đông, tập kết rồi vận chuyển đi sơ chế. Mủ cao su đông khi chưa qua các công đoạn chế biến sẽ có mùi hôi, đơn vị lựa chọn các điểm tập kết mủ xa khu dân cư, đảm bảo che chắn, tránh mưa nắng ảnh hưởng đến chất lượng mủ và làm ảnh hưởng môi trường.

Mới đây nhất (tháng 4/2022), Công ty đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức quan trắc chất lượng không khí, môi trường đất, nước mặt. Dựa trên kết quả phân tích thực tế tại cơ sở do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) thực hiện cho thấy chất lượng môi trường, nồng độ các thông số môi trường đều thấp hơn giá trị cho phép của quy chuẩn. Môi trường không khí, các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, bụi lơ lửng, độ ồn, CO, Pb... đều nằm trong giới hạn cho phép. Đối với môi trường nước mặt, các thông số đo quan trắc tại hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Trong môi trường đất, chỉ tiêu đồng tại các vị trí lấy mẫu phân tích đều đạt mức thấp từ 21,7mg/kg - 45,6mg/kg, trong khi giới hạn cho phép 300mg/kg; chỉ tiêu kẽm cao nhất là 67,4mg/kg (giới hạn cho phép 300mg/kg)...

Năm 2019 một số hộ dân khu vực bản Tin Tốc, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) phản ánh tình trạng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối rất khó chịu từ kho chứa mủ cao su thuộc Đội sản xuất cao su Mường Pồn 1, thuộc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên. Trước thực trạng đó, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã kiểm tra, khắc phục, đồng thời chỉ đạo các nông trường cao su thực hiện tốt sản xuất, kinh doanh gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Nông trường cao su Mường Chà (Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên) hiện có 5 đội sản xuất, quản lý hơn 1.267ha cây cao su trên địa bàn huyện Mường Chà. Ngoài ra, nông trường còn được giao quản lý, khai thác gần 54ha trên địa bàn bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên). Hiện nay cơ bản các diện tích đã được đưa vào khai thác. Để đảm bảo môi trường, ngoài việc thực hiện nghiêm công tác thu gom mủ từ lô về tập kết tại các kho mủ theo quy định, nông trường còn tiến hành thu gom 3 lần/tháng và có ký xác nhận số lượng mủ từng đợt, không để mủ tồn trên lô cao su, ảnh hưởng môi trường. Ngoài ra, ký quy chế phối hợp với công an huyện, công an xã để tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người lao động.

Tính đến năm 2021, diện tích vườn cây đã đưa vào khai thác mủ của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên là hơn 2.771ha; sản lượng khai thác đạt hơn 3.610 tấn mủ quy khô. Với diện tích mở cạo lớn, để đảm bảo môi trường, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đến các nông trường và người lao động. Cùng với đó, năm 2021 công ty đã xây dựng 2 kho chứa mủ (rộng 130m2) tại đội 2, xã Thanh Nưa và Thanh An (huyện Điện Biên); xây dựng một số sân bãi tập kết mủ: Mường Mươn, Mường Pồn, Thanh Nưa 1 (huyện Điện Biên) và Nà Sáy 1, 2 (huyện Tuần Giáo); xây dựng hệ thống đường nước tại một số nông trường. Nhờ đó hoạt động sản xuất của đơn vị trong thời gian qua không gây ô nhiễm môi trường; các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top