Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cao su

Lời hứa xuyên thập kỷ, dân nghèo lao đao (Bài 2)

07:16 - Chủ Nhật, 18/09/2022 Lượt xem: 3167 In bài viết

ĐBP - Khi vận động người dân góp đất trồng cao su, nhiều chính sách hỗ trợ đã được thông tin tới người dân, nhất là phân chia lợi nhuận khi cây cao su cho thu hoạch mủ. Thế nhưng, lời hứa hơn chục năm vẫn chưa thành hiện thực, người dân góp đất vốn đã khó khăn nay càng nghèo khó…

Lời hứa xuyên thập kỷ, dân nghèo lao đao (Bài 1)

Cây cao su trên đất Mường Ảng chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Tiền chia sản phẩm không mua nổi cân thịt!

Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi cao su bạt ngàn, chỉ tay về phía bãi Púng Quang, ông Lường Văn Nghiên trưởng bản Bua 1, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) chia sẻ: 13 năm trước khi chưa có dự án trồng cây cao su, khu vực này là những nương lúa, nương ngô màu mỡ trù phú nhất của bản. Lúc ấy đường đi chưa thuận lợi như bây giờ nên mỗi nhà trong bản có nương ở khu vực này đều dựng một cái lán nhỏ để đến mùa làm nương là mang cơm nắm vào làm từ sáng đến chiều mới về; nhất là vào mùa thu hoạch thì đông vui như đi hội.

Từ khi có chủ trương trồng cây cao su, chi bộ, các hội đoàn thể từ xã đến huyện đều vận động người dân chúng tôi góp đất trồng cao su với rất nhiều hứa hẹn, hỗ trợ... Nhưng đến nay, sau 13 năm triển khai cây cao su chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, không giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, góp đất từ năm 2009, nhưng đến nay người dân chúng tôi mới 2 lần được nhận tiền phân chia sản phẩm (lần 1 là sản phẩm từ năm 2017 đến năm 2020; lần 2 là năm 2021).

Ban đầu khi được thông báo đi nhận tiền phân chia sản phẩm mủ cao su, ai nấy đều rất hồ hởi vui mừng, bởi sau hơn chục năm góp đất nay đã đến ngày nhận thành quả. Nhưng đến lúc nhận tiền thì có người đã chửi thề rồi bỏ về, không nhận tiền vì quá ít, không đủ tiền xăng xe đi từ bản đến UBND xã để nhận. Có hộ tổng 2 lần nhận tiền phân chia sản phẩm mủ cao su cũng chưa được 30 nghìn đồng; phần lớn được từ 200.000 - 800.000 đồng/hộ góp đất; số hộ được 1 triệu, 2 triệu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng năm 2021 hộ được nhận nhiều nhất xã cũng chỉ 4,9 triệu đồng. Như vậy chia trung bình theo tháng/năm cũng đã không đạt hiệu quả kinh tế chứ chưa nói đến việc góp đất sau 13 năm chỉ nhận được từng ấy tiền. Có người đã thốt lên: Sau 13 năm góp đất không mua nổi cân thịt lợn.

Sau 13 năm góp đất, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) chỉ thu về vài chục nghìn, vài trăm nghìn, hộ nhiều không quá 5 triệu đồng. Như hộ gia đình anh Lò Văn Nơi được 29.000 đồng; ông Lò Văn Biên nhận 538.000 đồng; ông Lò Văn Diên 771.000 đồng; gia đình ông Lường Văn Pọm được 4,5 triệu đồng (năm 2021)...

Trao đổi về việc phân chia sản phẩm mủ cao su, ông Bạc Cầm Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Tở chia sẻ: Tổng diện tích cây cao su hiện có trên địa bàn xã là 212,1ha; trong đó, 166,1ha do Công ty Cổ phần cao su Điện Biên quản lý; 46ha do cá nhân quản lý. Thời điểm vận động người dân trồng cao su tôi vẫn đang làm công tác Mặt trận xã nên thường xuyên cùng các đoàn thể đi tuyên truyền, vận động người dân góp đất trồng cao su. Từ đó đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ người dân góp đất trồng cao su, nhất là việc cấp GCNQSDĐ vẫn chưa thực hiện xong; điều này rất thiệt thòi cho người dân vì liên quan đến việc chi trả tiền phân chia sản phẩm mủ cao su.

Cá nhân tôi thấy, hiệu quả kinh tế từ cây cao su mang lại chưa đạt mục tiêu đề ra, đó là giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Chỉ cần làm phép tính đơn giản sẽ thấy ngay: Hiện nay, năng suất lúa nương của xã trung bình đạt 13 tạ/ha, với giá 8.000 đồng/kg cũng được trên 10 triệu đồng/ha; cây cà phê năng suất đạt trung bình 8 tấn quả tươi/ha, như năm vừa rồi giá trung bình 14.000 đồng/kg, trung bình cũng được trên 100 triệu đồng/ha. Như vậy, nếu so với cây ngô, lúa nương thì hiệu quả kinh tế do cây cao su mang lại đều không bằng; so với cây dài ngày như cà phê, cây ăn quả thì hiệu quả kinh tế kém hàng chục lần.

Bao giờ quyền lợi của dân được đảm bảo?

Có thể thấy rằng, đến thời điểm này, Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Mường Ảng chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra; chưa giải quyết được các mục tiêu thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội cho hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su. Tại kỳ họp thứ 5 HĐND huyện Mường Ảng khóa IV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 19/7/2022, các đại biểu HĐND huyện đã có ý kiến cần giải quyết dứt điểm từng trường hợp góp đất trồng cao su từ năm 2009 cho đến nay nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ và các hộ gia đình đã được cấp GCNQSDĐ nhưng còn trồng lấn ranh giới đất giữa các hộ trên địa bàn xã Ẳng Tở.

Cũng tại kỳ họp này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã giao UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp, UBND xã Ẳng Tở rà soát, triển khai đo đạc, sớm hoàn thiện thủ tục lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho người dân. Đối với hộ gia đình đã có thủ tục, đo đạc bản đồ địa chính, đến 30/8/2022 phải lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho gia đình. Những hộ gia đình chưa thực hiện xác minh nguồn gốc đất, UBND xã phải họp bản để xác định nguồn gốc đất, UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, các phòng, ban chuyên môn thực hiện công tác xác minh, lập hồ sơ, đến 30/8/2022 phải hoàn thành.

Tuy nhiên đến thời điểm này (16/9/2022), dù Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp với UBND xã, người dân để xác định nguyên nhân chưa được cấp GCNQSDĐ; đồng thời, có văn bản nhắc nhở, hướng dẫn, chỉ đạo UBND xã các bước hoàn thiện thủ tục hồ sơ, nhưng UBND xã Ẳng Tở chưa phản hồi, cũng như chưa hoàn thiện hồ sơ.

Về phía Công ty Cổ phần cao su Điện Biên, ông Hoàng Xuân Lợi, Trưởng phòng tổ chức Công ty cho biết: Theo căn cứ pháp lý, các trường hợp góp đất phải được cấp GCNQSDĐ, khi đó Công ty mới có cơ sở ký kết hợp đồng với các hộ dân trên diện tích đã được cấp giấy. Nhưng vì các trường hợp hộ gia đình tham gia góp đất trồng cao su từ năm 2009 đến nay chưa được cấp giấy GCNQSDĐ, dẫn đến Công ty không có căn cứ ký hợp đồng và phân chia tiền sản phẩm mủ cao su cho các hộ.

Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân tham gia góp đất, Công ty đề nghị chính quyền xã và UBND các huyện liên quan cần xác minh rõ và sớm cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân. Khi đó Công ty sẽ ký hợp đồng, chia sản phẩm cho dân theo quy định và tiền sản phẩm sẽ được tích lũy kể từ năm bắt đầu khai thác. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các hộ dân, trong thời gian chờ cấp GCNQSDĐ nếu các hộ dân được UBND xã và phòng, ban huyện xác minh diện tích đúng ô, thửa, Công ty sẽ tiến hành ký kết hợp đồng với các chủ hộ góp đất trước để cho người dân sớm được hưởng lợi tiền sản phẩm. Cụ thể, tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên có 49ha đang trong quá trình chờ cấp GCNQSDĐ nhưng Công ty đã ký hợp đồng để người dân sớm được nhận tiền phân chia sản phẩm...

Góp đất, chờ đợi 13 năm vẫn chưa nhận được GCNQSDĐ; không được nhận phân chia tiền sản phẩm mủ cao su... dân lao đao vì ở lại gắn bó với cây cao su cũng không được mà “giải tán” cũng chẳng xong. Góp đất, đã được nhận GCNQSDĐ nhưng tiền phân chia sản phẩm mủ cao su bèo bọt “không đủ mua xăng ra xã nhận tiền”; góp đất 13 năm mà tiền phân chia sản phẩm “không đủ mua cân thịt...”.

Phải làm gì, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su? Trước hết là cấp GCNQSDĐ đúng, đủ; xa hơn nữa là để cây cao su thực hiện được mục tiêu ban đầu khi bén rễ ở Điện Biên: tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương; góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo...

“Bài toán” này thực sự khó, bởi nhiều lý do chủ quan, khách quan; song dù thế nào cũng không thể không giải, bởi quyền lợi, chất lượng đời sống của nhân dân vẫn là quan trọng nhất.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top