Tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn các dự án trồng mắc ca

17:05 - Thứ Năm, 29/09/2022 Lượt xem: 5187 In bài viết

ĐBP - Đó là ý kiến của Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lò Thị Luyến tại buổi làm việc với 2 Sở: Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, đã nhận và duyệt được hồ sơ, sản phẩm dự án đo đạc bản đồ trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích trên 5.047ha, đạt tỷ lệ trên 7,49% so với diện tích đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh cho các nhà đầu tư thuê đất trồng mắc ca, cụ thể: 541,14ha cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phú Thịnh tại địa bàn xã Phu Luông (huyện Điện Biên) và 197,83ha cho Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên tại xã Mường Pồn. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện cấp 57 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và Đầu tư Phú Thịnh với diện tích trên 540ha; thực hiện đăng ký biến động đất đai 54 hồ sơ với tổng diện tích trên 36ha; cấp 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH HL Điện Biên…

Sở Tài nguyên và Môi trường đã giải trình, làm rõ thêm những nội dung như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện các quy định chuyển nhượng đất, thủ tục chuyển nhượng đất giữa người dân với nhà đầu tư; việc ký kết hợp đồng giữa nhà đầu tư với người dân, chính quyền tham gia dự án. Hiệu quả Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư trồng cây mắc ca trên địa bàn.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án trồng mắc ca được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô thực hiện trồng 85.815ha. Đến nay, các nhà đầu tư đã đo đạc, quy chủ đất thực hiện các dự án là 14.496ha, đạt 18% tổng diện tích phải thực hiện đo đạc; đã tổ chức trồng 4.077ha cây mắc ca, đạt 28% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022 và đạt 5% so với quy mô được phê duyệt của các dự án trên địa bàn. Hiện nay khoảng 300ha cây mắc ca cho thu hoạch quả tại huyện Tuần Giáo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các địa phương thành lập 4 hợp tác xã mắc ca. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng mắc ca đang sử dụng gần 600 lao động thường xuyên và trên 1.000 lao động thời vụ (chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số).

Đoàn khảo sát đại biểu Quốc hội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình một số nội dung như: Công tác hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca đối với các hợp tác xã mắc ca; hiệu quả liên kết giữa nhà đầu tư với các hợp tác xã mắc ca trên địa bàn; công tác giải quyết việc làm cho lao động trong vùng dự án chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng cây giống mắc ca cung cấp cho các hợp tác xã mắc ca; vướng mắc triển khai thực hiện Quyết định số 45/QĐ-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển cây mắc ca.

Thống nhất nội dung buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lò Thị Luyến đề nghị 2 sở: Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh và tích cực phối hợp với cấp ủy chính quyền các địa phương, các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án trồng mắc ca trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; hỗ trợ nhà đầu tư, chính quyền về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp phục vụ thực hiện dự án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tuyên truyền kỹ thuật chăm sóc cây, kiểm định chất lượng giống, thực hiện liên kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án mắc ca.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top