Cơ hội quảng bá sản vật địa phương

21:27 - Chủ Nhật, 02/10/2022 Lượt xem: 4609 In bài viết

ĐBP - Song song với các hoạt động của Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, năm 2022, những ngày này, tại Quảng trường 7/5 một ngày hội không kém phần sôi động đó là việc trưng bày, giới thiệu những sản vật địa phương. Ngày hội là dịp, cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, quảng bá và bán các sản vật địa phương.

Du khách tham quan và mua hàng tại gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị.

Đến với Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, năm 2022 tại Điện Biên có sự tham gia của hơn 30 đơn vị là các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc các tỉnh biên giới Việt –Lào. Trên 50 gian hàng của các đơn vị trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Mỗi sản vật tham gia trưng bày trong dịp này là một câu chuyện về cách làm nông nghiệp hướng đến nông sản an toàn, phát triển nông nghiệp bền vững. Mỗi địa phương đều có gian hàng với những sản phẩm được chứng nhận OCOP, an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện tiềm năng, thế mạnh và dấu ấn đặc trưng của địa phương mình.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khẳng định đây là cơ hội để những sản phẩm chất lượng tiêu biểu, mang đặc trưng vùng miền của tỉnh được trực tiếp giới thiệu đến khách hàng, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chị Hà Thị Kim Phước, chủ cơ sở sản xuất thịt khô gác bếp Chung Phước (bản Hón, thị trấn Mường Ảng) cho biết: Đây là lần đầu tiên sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia với sự tham gia của nhiều tỉnh của 2 nước: Việt Nam và Lào. Các sản phẩm thịt trâu, bò, lợn gác bếp của cơ sở Chung Phước đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tại địa phương, chế biến hoàn toàn thủ công, mang đặc trưng văn hóa ẩm thực người dân tộc Thái Điện Biên. Trong 2 ngày qua, gian hàng của tôi đã đón hàng trăm lượt khách vào tham quan, tìm hiểu và mua sản phẩm. Bên cạnh việc bán lẻ, cơ sở cũng đã kết nối, có lời mời hợp tác tiêu thụ sản phẩm từ một số khách hàng ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nậm Pồ là địa phương có đa dạng sản phẩm mang tính chất vùng miền, văn hóa các dân tộc. Tham gia Ngày hội Việt Nam – Lào, huyện Nậm Pồ có gian hàng trưng bày, giới thiệu 21 sản phẩm đặc sản địa phương. Chị Ly Thị Nhè, phụ trách gian hàng sản phẩm huyện Nậm Pồ cho biết: Đây là dịp để chúng tôi giới thiệu các sản phẩm đặc sản địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thực tế hiện nay, huyện Nậm Pồ có nhiều đặc sản nhưng phạm vi thị trường bó hẹp do công tác giới thiệu, quảng bá chưa được các hộ sản xuất, kinh doanh quan tâm. Dịp này, bên cạnh các sản phẩm mang văn hóa dân tộc tương đồng với các địa phương khác, huyện Nậm Pồ tập trung giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm OCOP trọng tâm đang được huyện tập trung sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ như: Mật ong Chà Nưa; tinh dầu Sả; sa nhân và lạc đỏ Nà Hỳ. Sau 2 ngày tham gia, một số sản phẩm: Lạc đỏ Nà Hỳ, tinh dầu sả đã cháy hàng, chỉ còn hàng trưng bày, không còn hàng để bán.

Mỗi sản phẩm đặc sản địa phương tham gia ngày hội đều có mang một câu chuyện, kể về quá trình hình thành, xây dựng thương hiệu. Tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn những sản phẩm đặc sản của dân tộc Pa Cô và Ta Ôi (huyện A Lưới) để tham gia trưng bày tại ngày hội. Trong đó, 2 sản phẩm chính được lựa chọn giới thiệu, quảng bá gồm: Gạo Ra Dư của dân tộc Pa Cô và thổ cẩm của người dân tộc Ta Ôi.

Chị Hà Thị Kim Phước, chủ cơ sở sản xuất thịt khô gác bếp Chung Phước (bản Hón, thị trấn Mường Ảng) giới thiệu sản phẩm thịt khô gác bếp đến khách tham quan.

Anh Pe Prung Giáp, chủ gian hàng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong số gần 100 sản phẩm tham gia trưng bày, chúng tôi tập trung giới thiệu sản phẩm gạo Ra Dư và thổ cẩm Ta Ôi. Bởi đây là những sản phẩm đặc trưng, chỉ 2 dân tộc Pa Cô và Ta Ôi mới có và các sản phẩm này đã và đang được cấp ủy, chính quyền quan tâm trong công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như gạo Ra Dư, đây là sản phẩm quý, hiếm của người dân tộc Pa Cô từ xưa đến nay. Theo phong tục của người Pa Cô, gạo Ra Dư chỉ dành cho người con rể của gia đình, tức là khi người con rể đến nhà vợ chơi, thăm hỏi thì gia đình bố mẹ vợ mang gạo Ra Dư ra tiếp đãi. Do đó, mỗi gia đình người dân tộc Pa Cô chỉ sản xuất diện tích rất nhỏ, sản phẩm rất ít nên rất quý. Đối với chất lượng gạo, đây cũng là loại gạo rất ngon. Hạt gạo có màu đỏ, gieo trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học. Gạo nấu lên rất dẻo, thơm ngon, ăn vào rất ngậy.

“Quảng Trị - Điểm đến thân thiện” là slogan của gian trưng bày các đặc sản địa phương của tỉnh Quảng Trị. Anh Đoàn Thanh Sơn, gian hàng sản vật tỉnh Quảng Trị cho biết: Chúng tôi muốn giới thiệu và bán những sản phẩm thân thiện, an toàn đến sức khỏe của người tiêu dùng. Dịp này, tỉnh Quảng Trị tham gia với 30 sản phẩm, trong đó phần lớn là sản phẩm OCOP 3 - 4 sao và các sản phẩm có chứng nhận sản phẩm an toàn. Đến với tỉnh Điện Biên, chúng tôi tập trung giới thiệu các sản phẩm dược liệu như: Cao cà gai leo, cao chè Vằng, các loại tinh dầu… Trong 2 ngày qua, gian hàng đã đón tiếp hàng nghìn lượt người đến tham quan, tìm hiểu và mua sản phẩm. Lượng khách hàng mua sản phẩm vượt quá dự kiến ban đầu nên dù ngày hội còn 2 ngày nữa mới kết thúc song một số sản phẩm chủ lực đã hết hàng. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại thành công của tỉnh Quảng Trị.

Chị Nguyễn Thị Trang, du khách Nghệ An cho biết: Thật may mắn khi lần đầu đến Điện Biên vào dịp diễn ra Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam – Lào, tôi được giao lưu, trải nghiệm các hoạt đông văn hóa, thể thao du lịch, ẩm thực của các dân tộc, các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào. Tôi rất ấn tượng với các sản phẩm, văn hóa ẩm thực đặc trưng dân tộc Thái ở Điện Biên, nhất là món thịt khô gác bếp. Tôi đã tham quan, trải nghiệm và mua thêm sản phẩm này để làm quà cho người thân ở Nghệ An.

“Tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng địa phương tại các gian hàng là một hoạt động không thể thiếu khi tham gia Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào” là ý kiến của rất nhiều du khách đến với Điện Biên dịp này. Các gian hàng, sản vật địa phương đã và đang tạo ra những dư vị ấn tượng trong lòng du khách, góp phần tô điểm, tạo nên sự thành công của Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, năm 2022 tại Điện Biên.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top