Góc nhìn - Tiêu điểm

Đừng để có lỗi với Nhân dân

08:49 - Thứ Bảy, 05/11/2022 Lượt xem: 2775 In bài viết

ĐBP - 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Điện Biên thuộc nhóm các địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm. Đến 30/9, ước giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 46,38%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn quốc (46,7%).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Về khách quan thì Điện Biên cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nguyên vật liệu tăng cao; những vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đấu thầu… Quy trình thực hiện đầu tư chịu điều chỉnh của nhiều quy định (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu); phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục. Trong khi đó, mặc dù năm 2022 là năm thứ 2 triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nhưng thực tế mới là năm đầu thực hiện vì kế hoạch mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021. Do đó đầu năm 2022 chủ yếu triển khai các dự án chuyển tiếp; trong khi đó quá trình chuẩn bị, làm thủ tục các dự án mới mất rất nhiều thời gian.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ rõ đối với những đơn vị, địa phương có tỷ lệ ngải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Đó là những khó khăn xuất phát từ việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát khả năng thực hiện, còn tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục, công tác tổ chức triển khai còn nhiều bất cập; các cấp, ngành chưa quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét...

Xét cho cùng thì nguyên nhân chính của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là liên quan đến công tác tổ chức thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, cũng là hệ thống các quy định pháp luật đó, cùng có khó khăn chung về giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao nhưng một số đơn vị, địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt trong khi số khác lại không đạt. Có lẽ vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Và vẫn còn những trường hợp “sợ sai”, sợ trách nhiệm.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Quy mô quốc gia sẽ bị ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Đây là nguồn lực của các dự án lớn, hạ tầng quan trọng nên giải ngân chậm sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng của tư nhân, của nước ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Chậm giải ngân còn là sự lãng phí khi “có tiền nhưng không tiêu được” trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay; doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chi phí bị đội lên. Với các địa phương, chậm giải ngân vốn cũng đồng nghĩa với việc dự án bị dở dang; thậm chí chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian dài, các dự án có nguy cơ bị rút vốn, dừng triển khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian từ nay đến hết năm không còn dài, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, ngành là rất lớn để hoàn thành kế hoạch. Phải có khối lượng thì mới giải ngân được vốn. Do đó cần sự chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu khẩn trương thực hiện. Cần xác định rõ, nêu cao và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu giải ngân vốn chậm. Bởi, như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với Nhân dân!”.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top