Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP

06:48 - Thứ Sáu, 17/02/2023 Lượt xem: 3867 In bài viết

ĐBP - Hết năm 2022, toàn tỉnh có 56 sản phẩm OCOP (trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được người dân tín nhiệm. Song song với việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng địa phương đạt chuẩn OCOP, các cấp, ngành chức năng chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu.

HTX Dệt thổ cẩm xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) mong muốn được tăng cường công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm.

UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp thực hiện việc quảng bá chương trình mỗi xã một sản phẩm. Thực hiện xúc tiến thương mại, đến nay ngành Công Thương tỉnh đã triển khai quảng bá các sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, qua kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử. Theo đó, đối với kênh bán hàng truyền thống, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, thương mại điện tử; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp, hợp tác xã về lĩnh vực thương mại điện tử; hỗ trợ đào tạo, tập huấn phần mềm bán hàng online bằng phương tiện tiếp thị đa kênh cho một số chủ thể đã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đến nay đã đưa được một số sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tìm giải pháp hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn giao dịch điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, các nhóm tiêu thụ nông sản an toàn, sản phẩm OCOP toàn quốc. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối với 55 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trên các nền tảng mạng xã hội như: zalo và facebook. Qua nền tảng số, tiếp tục kết nối các thành viên vào các nhóm tiêu thụ nông sản toàn quốc như: Câu lạc bộ sản phẩm OCOP toàn quốc; câu lạc bộ Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn…

Bên cạnh việc tham gia nhiều triển lãm, hội chợ, sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã xây dựng kế hoạch kết nối, ký biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP với Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đặc biệt, tỉnh Điện Biên đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh. Đây được kỳ vọng là giải pháp đưa các sản phẩm của Điện Biên vươn tới các thị trường lớn, tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững; hợp tác kinh doanh, sản xuất sản phẩm đặc sản vùng miền đạt chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, nhờ việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu, đến nay nhiều sản phẩm OCOP, nông sản của các địa phương trong tỉnh đã được các doanh nghiệp phân phối đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại như: Siêu thị, sàn giao dịch điện tử. Một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã được người tiêu dùng ưa chuộng như: Gạo chất lượng cao các loại của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; mật ong của HTX Ong mật Điện Biên; các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ; khẩu xén của HTX Lay Nưa... Đơn cử trước đây, sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Ong mật Điện Biên trên thị trường còn ít người biết đến. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của hợp tác xã sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Vì vậy, HTX chủ yếu bán mật thô cho các thương lái ở các tỉnh dưới xuôi với giá thành rẻ, chỉ bằng 1/2 giá trị của sản phẩm mật ong thành phẩm đạt chuẩn. Tuy nhiên, thời gian qua, các sở, ngành, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia các hoạt động quảng bá nông sản Điện Biên ở các hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó có nhiều khách hàng biết đến; hiện nay, khoảng 40% lượng khách hàng tìm hiểu và xin thông tin về sản phẩm đã liên hệ lại và đặt hàng các sản phẩm mật ong thông qua công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top