Kiểm soát thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

07:23 - Thứ Ba, 21/02/2023 Lượt xem: 3916 In bài viết

ĐBP - Vì lợi nhuận không ít tư thương bất chấp quy định của pháp luật để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là ở địa bàn vùng cao. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh không chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của bà con vùng sâu, vùng xa để họ phân biệt được các sản phẩm chính hãng với hàng nhái, mà còn vào cuộc quyết liệt kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, chấn chỉnh ý thức chấp hành quy định pháp luật của người kinh doanh. 

Kiểm soát viên Đội QLTT số 4 tuyên truyền, vận động thương nhân cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng, không đảm bảo ATTP.

Dịp trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, anh em Đội QLTT số 4 thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, kiểm soát thị trường nên đặt lịch làm việc với Đội cũng khó sắp xếp. Thời điểm sau tết, khi công việc đã giảm bớt áp lực, chúng tôi mới có dịp cùng các anh kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho một số thương nhân trên địa bàn quản lý. Đội QLTT số 4 thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và thị xã Mường Lay. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khá khó khăn nên nhiều đối tượng lợi dụng nhận thức của một bộ phận đồng bào các dân tộc còn hạn chế để đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn tiêu thụ. Dù tình trạng kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng có tính chất, mức độ vi phạm không lớn, song để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vùng cao, Đội QLTT số 4 đã và đang tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, siết chặt quản lý và xử lý nghiêm các vi phạm.

Là người gắn bó, thực hiện nhiệm vụ ở vùng cao nhiều năm, ông Trần Trung Kiên, kiểm soát viên Đội QLTT số 4 thấu hiểu hơn ai hết những vất vả của cán bộ QLTT ở vùng sâu, vùng xa. Ông Kiên chia sẻ: “Đối với địa bàn đơn vị quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, với đa số là người dân tộc thiểu số nên phương thức kinh doanh, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức về các quy định của Nhà nước còn hạn chế. Vì vậy, các vi phạm trong quản lý thị trường chủ yếu là vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng, vi phạm trong kinh doanh và không niêm yết giá hàng hóa... Dù địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn và mức độ, tính chất các vụ việc không nghiêm trọng, song chúng tôi vẫn tập trung kiểm tra việc chấp hành và duy trì các điều kiện trong kinh doanh, hàng giả, hàng không đảm bảo ATTP, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, niêm yết giá… của các thương nhân. Đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác quản lý địa bàn, nắm thương nhân và các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình tại các xã, phường để lập sổ theo dõi và tuyên truyền các quy định của pháp luật…”.

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thương nhân, Đội QLTT số 4 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; vận động thương nhân ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP... Đồng thời tổ chức ký quy chế phối hợp giữa Đội QLTT số 4 và UBND các phường, xã trên địa bàn trong đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2022, thông qua công tác quản lý địa bàn, Đội đã tuyên truyền, vận động trực tiếp 795/926 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng, không đảm bảo ATTP. Đội đã ký quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với 41/41 xã, phường. Qua đó góp phần răn đe, ngăn chặn thương nhân vi phạm; hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và không đảm bảo ATTP…

Ông Ngô Xuân Chiến, phụ trách Đội QLTT số 4 cho biết: Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của Đội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Cục QLTT, UBND các huyện, thị xã và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn. Tuy nhiên, ở địa bàn vùng cao có nhiều khu mua, bán nhỏ lẻ tại trung tâm các xã vùng cao, biên giới. Đây được xem là nơi các đối tượng thường lợi dụng để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán cho người dân. Vậy nên, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật đến từng thương nhân, từng bước hạn chế tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về ghi nhãn, sở hữu trí tuệ, vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP...

Ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, nên việc quản lý, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng luôn là vấn đề khó. Thế nhưng với sự vào cuộc tuyên truyền chính sách pháp luật đến từng thương nhân của Đội QLTT số 4 đã từng bước hạn chế tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về ghi nhãn... góp phần giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa và bảo vệ lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top