Ứng dụng công nghệ bảo vệ, phát triển rừng

07:30 - Thứ Tư, 08/03/2023 Lượt xem: 8193 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 694.000ha quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 72% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh), trong đó hơn 409.800ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,9%. Khu vực vùng cao, khu vực có rừng, gần rừng phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sản xuất chủ yếu trên đồi núi dốc, ruộng nước ít, điều kiện dân sinh còn khó khăn; cùng với đó là tập quán sử dụng gỗ làm nhà, sử dụng củi làm chất đốt... khiến rừng luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

Lực lượng kiểm lâm sử dụng thiết bị flycam giúp tuần tra rừng hiệu quả hơn.

Ông Hà Lương Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trước đây, việc báo cáo diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh được tổng hợp dưới hình thức báo cáo từ cơ sở đến các đơn vị quản lý hành chính. Do vậy kết quả thường chậm, không đảm bảo độ chính xác, nhất là thiếu phần dữ liệu bản đồ cập nhật hiện trạng rừng. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chỉ đạo của lực lượng kiểm lâm đối với hành vi tác động, xâm hại tài nguyên rừng. Để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng bền vững, Chi cục đã trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, như: Flycam, hệ thống máy định vị GPS, máy tính hiện đại, đồng bộ cho lực lượng kiểm lâm địa bàn... Cụ thể là ứng dụng công nghệ phát hiện sớm cháy rừng để phát hiện các điểm cháy rừng, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Công nghệ này sử dụng phát hiện đám cháy từ quét ảnh vệ tinh, các điểm cháy được phát hiện đầy đủ vị trí, tọa độ, trạng thái rừng để công chức kiểm lâm thuận tiện trong kiểm tra, phát hiện cháy rừng. Ngoài ra, thông qua ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng của Tổng cục Lâm nghiệp tạo điều kiện cho việc theo dõi, quản lý, cập nhật diễn biến, biến động rừng trên không gian số hóa từ cơ sở, từ kiểm lâm địa bàn đến cấp huyện, cấp tỉnh nhanh chóng, chính xác hơn. Chi cục cũng tập trung ứng dụng công nghệ ảnh vệ tinh để theo dõi lịch sử diễn biến của lô rừng. Đồng thời, sử dụng ảnh vệ tinh tại 2 thời điểm khác nhau để xác định những vị trí có thay đổi về trạng thái, hiện trạng của rừng để phục vụ công tác quản lý.

Với việc đầu tư 3 biển cảnh báo cấp dự báo cháy rừng tự động tại các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên đã tự động thu thập các dữ liệu về thời tiết, độ ẩm không khí, nhiệt độ tại địa phương, để đưa ra mức cảnh báo cháy rừng phù hợp. Hàng ngày, dữ liệu sẽ tự động gửi tin nhắn về điện thoại của lãnh đạo hạt Kiểm lâm địa phương về mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn. Đối với việc tuần tra rừng, Chi cục Kiểm lâm cũng trang bị thiết bị bay không người lái cho các đơn vị hạt kiểm lâm để phục vụ công tác tuần tra, theo dõi diễn biến rừng. Đến nay, 100% đơn vị đã được trang bị flycam, giúp lực lượng kiểm lâm thuận tiện tuần tra rừng, quan sát dễ dàng các vị trí xa, khó tiếp cận.

Ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: Huyện Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên gần 160.000ha, trong đó đất có rừng trên 84.000ha gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, độ che phủ đạt trên 50%. Với diện tích rừng lớn, trải rộng qua nhiều địa bàn việc trang bị thiết bị flycam đã giúp lực lượng kiểm lâm huyện quan sát, theo dõi diện tích rừng giáp ranh với đất sản xuất của người dân thuận lợi, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc xâm lấn đất rừng làm nương. Ngoài ra, việc theo dõi diện tích rừng trồng, phát hiện cháy rừng hay kiểm tra các khu vực “nóng” có nguy cơ xảy ra hành vi phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép cũng bao quát, chặt chẽ và thường xuyên.

Mặc dù vậy, Điện Biên là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, lực lượng kiểm lâm mỏng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như theo dõi diễn biến rừng của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các hạt kiểm lâm trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt là sử dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám. Đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý rừng, theo dõi tình hình, diễn biến rừng để công tác bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả cao hơn.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top