Hiệu quả áp dụng máy cấy vào sản xuất

07:25 - Thứ Hai, 20/03/2023 Lượt xem: 2022 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, nông dân huyện Điện Biên tích cực sử dụng máy cấy vào sản xuất lúa 2 vụ đã góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó nâng cao lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Từ hiệu quả ở huyện Điện Biên, việc áp dụng máy cấy vào sản xuất đã và đang được thử nghiệm, nhân rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh.

Người dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên sử dụng máy cấy sản xuất lúa đông xuân năm 2023.

Sử dụng máy cấy lúa được huyện Điện Biên triển khai thí điểm từ vụ mùa năm 2018. Đến nay, sau 10 vụ lúa áp dụng công nghệ cấy máy mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với phương pháp gieo thẳng truyền thống. Thanh Xương là một trong những xã tiên phong trong áp dụng máy cấy. Hiện nay xã có trên 40 máy cấy, gần 50% diện tích lúa của xã đã áp dụng mô hình máy cấy thay cho phương pháp gieo thẳng.

Ông Lò Văn Bun, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Xương cho biết: Lúc đầu người dân còn e ngại khi áp dụng máy cấy vào sản xuất bởi đây là công nghệ hoàn toàn mới, lạ lẫm đối với người dân. Tuy nhiên, chỉ sau 2 vụ lúa hiệu quả, từ năm 2019 đến nay 100% thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Xương đã sử dụng máy cấy sản xuất lúa 2 vụ. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích, đó là: Cơ bản giải quyết tình trạng lúa lẫn (khử tạp trên 90%); chống đổ cho cây lúa tốt; giảm trên 40% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp cũ; giải phóng sức lao động, nhất là khâu tỉa giặm và phun thuốc trừ cỏ. Đặc biệt, năng suất, sản lượng lúa cao và ổn định hơn so với phương pháp gieo thẳng.

Vụ đông xuân 2022 - 2023 gia đình chị Lê Thị Hà, thôn 7, xã Thanh Yên không còn phải lo chuẩn bị thóc giống, quy trình ngâm ủ và chạy đua gieo hạt cho kịp thời vụ như trước bởi vì đã có dịch vụ mạ khay cấy máy của huyện đưa về. Với diện tích 4.000m2, nếu gieo thẳng chị Hà cần 3 - 4 ngày mới hoàn thành nhưng áp dụng máy cấy thì chưa đến 1 ngày chị Hà đã hoàn thành gieo cấy 100% diện tích.

Chị Lê Thị Hà cho biết: Sử dụng máy cấy vào khâu xuống giống lúa là phương pháp mới cho nhiều ưu điểm vượt trội. Nếu như trước đây, tôi cần 3 - 4 ngày đi gieo, sau đó thêm 7 - 10 ngày tỉa giặm lúa thì nay sử dụng máy cấy chỉ cần 1 ngày, không phải tốn công tỉa giặm. Với phương pháp gieo thẳng, nông dân phải phun thuốc trừ cỏ ngay sau khi kết thúc gieo cấy. Nhưng với máy cấy, sau 1 tháng tôi chưa phải phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào cho lúa. Sử dụng máy cấy, sản xuất lúa của gia đình tôi đã được cơ giới hóa 3/4 khâu: Làm đất, gieo cấy và thu hoạch.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Điện Biên gieo cấy trên 4.100ha. Trong đó, diện tích áp dụng máy cấy là 494,37ha, tăng gần 300ha so với năm 2022. Hiện nay, toàn huyện đã có 117 chiếc máy cấy.

Bà Đặng Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Kỹ thuật cấy bằng máy điều chỉnh được mật độ cho phù hợp với từng chân ruộng, khoảng cách giữa các khóm đồng đều, tạo độ thông thoáng, thuận lợi trong quá trình chăm sóc, phòng chống sinh vật gây hại, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đồng đều, trỗ bông tập trung, đẻ nhánh khá, đạt bình quân 6 - 7 dảnh hữu hiệu/khóm; hạn chế khả năng phát sinh của sinh vật hại. Đồng thời, phương pháp này có tác dụng khử lẫn và cỏ dại. Cụ thể, cấy lúa bằng máy cấy là cấy theo hàng, hàng sông thưa, thời gian làm đất được kéo dài, ruộng giữ nước lâu 10 - 15 ngày so với ruộng gieo vãi nên hạt cỏ dại và hạt lúa lẫn khó mọc hơn so với ruộng sử dụng biện pháp gieo thẳng, nếu có thì lúa lẫn và cỏ dại mọc muộn, dễ phân biệt và bị loại bỏ. Sau hơn 4 năm thử nghiệm, theo dõi, đánh giá, việc áp dụng máy cấy giúp tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Hiện nay, 1ha lúa áp dụng máy cấy có thể thu từ 63 - 80 triệu đồng, tùy theo từng loại giống, lãi thuần đạt từ 30 - 47,5 triệu đồng/ha. Do không sử dụng thuốc trừ cỏ, giá thóc bán ra cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, tỷ lệ gạo đạt 70%.

Từ hiệu quả ở huyện Điện Biên, thời gian gần đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên tổ chức thí điểm, nhân rộng mô hình áp dụng máy cấy vào sản xuất lúa 2 vụ ra các địa phương trong tỉnh. Vụ đông xuân năm nay, mô hình cấy máy đã được thí điểm tại các huyện: Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top