Nhiều sản phẩm, ít điểm bán

08:56 - Thứ Tư, 22/03/2023 Lượt xem: 4835 In bài viết

ĐBP - Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao. Xây dựng, phát triển được nhiều sản phẩm nhưng đến nay toàn tỉnh chưa có điểm bán sản phẩm OCOP, trong khi đây là kênh quan trọng để giới thiệu, lan tỏa sản phẩm đến người tiêu dùng. Đây là lý do chính khiến nhiều sản phẩm OCOP vắng bóng trên thị trường địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh chưa có điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP đạt chuẩn. Trong ảnh: Người dân lựa chọn sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tại điểm giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của Sở Công Thương.

Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được các cấp, ngành tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị xúc tiến thương mại, trên các sàn thương mại điện tử... Song tại thị trường địa phương, khi cần mua trực tiếp, người dân vẫn loay hoay tìm địa điểm bán sản phẩm OCOP.

Chị Nguyễn Phương Dung, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Để mua được sản phẩm OCOP tại thị trường thành phố rất khó. Vào siêu thị hoặc ra các chợ truyền thống cũng chỉ có một vài sản phẩm chính như: Chè Tủa Chùa, gạo Điện Biên, cà phê Mường Ảng. Thời điểm diễn ra Lễ hội Hoa Ban vừa qua, tôi có đoàn khách từ quê lên chơi, muốn mua sản phẩm OCOP miến dong, lạc đỏ để làm quà nhưng tìm khắp các chợ, điểm du lịch hay siêu thị ở thành phố đều không có.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, phát triển được 56 sản phẩm nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP chính thức. Trước đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên kết với Siêu thị Hoa Ba mở 1 điểm bán sản phẩm OCOP tại siêu thị tuy nhiên quy mô gian hàng nhỏ, số lượng sản phẩm hạn chế.

Ông Nguyễn Chí Ba, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba cho biết: Trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm địa phương là một trong những nội dung được ưu của Siêu thị Hoa Ba. Thời gian đầu, Siêu thị đã dành gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại vị trí trung tâm với diện tích phù hợp. Tôi cho rằng, sản phẩm OCOP là sản phẩm mới, cần sự giới thiệu, quảng bá tới khách hàng về những đặc tính vượt trội, ưu việt của sản phẩm OCOP so với các sản phẩm bình thường khác thì mới thu hút hách hàng quan tâm. Thực hiện việc đó, các chủ thể phải có người ở siêu thị để giới thiệu, hướng dẫn sử dụng... Tuy nhiên, các chủ thể kinh tế ít quan tâm mà phó mặc toàn bộ cho Siêu thị. Do đó, sau một thời gian, nhận thấy hoạt động của gian hàng kém hiệu quả trong khi nhu cầu mở rộng các gian hàng khác lớn nên siêu thị đã thu gọn quy mô gian hàng và số lượng sản phẩm bày bán.

Tại nhiều tỉnh, sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại các điểm trung tâm đông người qua lại; tại các khu du lịch, gắn việc giới thiệu, bán sản phẩm OCOP vào các hoạt động du lịch địa phương. Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh, cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP trong khuôn viên siêu thị GO! ở TP.Hạ Long bày bán 100 loại sản phẩm OCOP, không chỉ của tỉnh mà còn là sản phẩm OCOP chất lượng của các tỉnh, thành phố khác. Hoặc như huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La), Trung tâm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP của huyện được đầu tư đúng quy chuẩn, vị trí ngay tại trung tâm huyện. Đây cũng là 1 điểm trong các tour tuyến du lịch của tỉnh, huyện. Như vậy, sản phẩm thu hút được đông đảo khách hàng tìm hiểu, mua và sử dụng.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa thực hiện được các hoạt động tương tự. Tại các điểm di tích, tham quan du lịch: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1, hầm Đờ-cát, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đều có các cửa hàng bán đồ lưu niệm như: Mô hình Tượng đài Chiến thắng, bức phù điêu kéo pháo, đĩa in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp... nhưng hoàn toàn vắng bóng các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Vân, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm tại hầm Đờ-cát, cho biết: “Đồ nông sản ở đây chủ yếu do đồng bào dân tộc mang ra bán. Chúng tôi chưa được tiếp cận với các sản phẩm OCOP của tỉnh do đó chưa bày bán các sản phẩm đó tại cửa hàng”.

Xúc tiến thương mại là khâu quan trọng trong liên kết sản xuất sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các ngành chức năng, các chủ thể kinh tế đang quá chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh và các sàn thương mại điện tử mà chưa chú trọng thị trường địa phương. Thiết nghĩ, việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá để người dân địa phương biết, tìm hiểu và sử dụng sản phẩm OCOP là khâu đóng vai trò quan trọng. Thực hiện hiệu quả công tác này thì mỗi người dân, người tiêu dùng sẽ là một tuyên truyền viên cho sản phẩm OCOP từ đó tạo sức lan tỏa, thúc đẩy mở rộng thị trường. Đồng thời, cần chú trọng hơn nữa công tác mở rộng mạng lưới phân phối. Là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thì ít ra một địa phương cần có một điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Đó có thể là cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP chuyên biệt, hoặc lồng ghép trưng bày, bán sản phẩm OCOP, hoặc những “địa chỉ” có nhiều khách hàng tiềm năng như: chợ truyền thống, điểm du lịch...

Được biết, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương chủ trì, đầu tư xây dựng 1 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Hiện nay, dự án này đang được triển khai. Hi vọng, thời gian tới, việc xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP tại địa phương sẽ có bước đột phá.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top