Hàng hóa, dịch vụ biến động theo giá xăng

07:32 - Thứ Sáu, 24/03/2023 Lượt xem: 3918 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, qua nhiều lần điều chỉnh, giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường tăng lên. Hiện nay giá xăng RON 95-V vùng 2 có mức giá 24.430 đồng/lít; xăng E5 RON 92-II giá 22.460 đồng/lít; dầu hỏa 2-K giá 19.840 đồng/lít... Xăng dầu tăng giá gây sức ép cho người dân, doanh nghiệp, buộc phải cắt giảm mọi chi phí để thích ứng.

Xăng dầu tăng giá kéo theo giá các mặt hàng khác tăng theo.

Từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các loại rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh tăng giá. Giá từ chợ truyền thống đến các cửa hàng bán lẻ tăng ở mức độ nhiều, ít khác nhau. Qua khảo sát, hiện nay tại một số cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, hàng lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng... giá vẫn cao (so sánh với thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), như: Gạo tẻ thường có giá 14.550 đồng/kg (tăng 0,34%); thịt lợn hơi tăng 1,67%; thịt lợn nạc thăn tăng 8,34%; gà ta tăng 2,38%; dầu thực vật chai loại 1 lít tăng 14%; cà chua tăng 13,7%; bí xanh tăng 11%... Các mặt hàng vật liệu xây dựng giá biến động tăng, như: Thép cuộn phi 6, phi 8 (thép Thái Nguyên) gần 18.000 đồng/kg; xi măng Điện Biên PCB 30 có giá 1.900 đồng/kg...

Theo chị Nguyễn Thị Vân, chủ cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), việc giá xăng dầu tăng đã kéo theo cước vận chuyển tăng lên, dẫn đến hầu hết giá cả hàng hóa bán ra phải tăng theo. Thế nhưng tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, mặc dù vẫn phải chịu chi phí, cước vận chuyển hàng hóa tăng lên, nhưng giá cả hàng hóa không tăng theo hoặc có tăng nhưng không nhiều. Do đời sống người dân trên địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn, nếu tăng giá sức mua sẽ giảm đi. Vì vậy, mỗi lần xăng dầu tăng giá, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh, buôn bán.

Vận tải là một trong những hoạt động ảnh hưởng nhiều nhất do xăng dầu tăng giá. Đại diện Hợp tác xã Vận chuyển hành khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hiện nay đơn vị có trên 50 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh. Xăng dầu chiếm tới 35 - 40% giá thành cước vận tải dẫn đến hoạt động của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, chi phí vận hành bị đội lên. Trong khi đó, lượng khách đi xe đã giảm nhiều so với trước đây nên doanh thu của đơn vị thời gian qua không đạt chỉ tiêu. Đối với một số tuyến, dù lượng khách sụt giảm, nhưng để giữ “lốt”, giữ khách, giữ nguồn hàng, các nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động, song hầu hết đều giảm tần suất số chuyến để giảm chi phí.

Việc xăng dầu tăng giá đã kéo theo một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, như: Trong tháng 2/2023, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,22%, nguyên nhân do xăng dầu điều chỉnh tăng, đã tác động đến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 4,92% so với tháng tháng 1/2023. Xăng dầu tăng giá khiến chi phí vận chuyển tăng, kéo theo chỉ số giá nhóm phụ tùng, sửa chữa ô tô, xe máy và xe đạp cũng tăng, dao động từ 0,49% - 1,43%. Cùng với đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,83%. Trong đó, chỉ số giá gas bình quân tăng 6,35%; giá sắt thép xây dựng tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,79%.

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của sản xuất. Bởi vậy, tăng giá xăng dầu, giá các mặt hàng khác sẽ tăng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để đảm bảo bình ổn giá, tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác theo dõi diễn biến cung cầu, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối nhằm bình ổn thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thiết yếu. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá, đặc biệt là công bố, niêm yết công khai các dịch vụ theo quy định hiện hành. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tin truyền về quản lý, điều hành bình ổn giá cả thị trường đến người dân trên địa bàn; hạn chế những thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang cho người dân và gây bất ổn thị trường.

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá xăng dầu tăng nhằm giảm thiểu thiệt hại. Trước mắt về phía các doanh nghiệp phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm tối đa chi phí, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiều xăng, dầu như doanh nghiệp vận tải. Chủ động tính toán lại cơ cấu kinh doanh, sản xuất, không để phụ thuộc, chịu tác động quá nhiều khi giá xăng dầu tăng.

Về phía người dân, doanh nghiệp thì mong muốn các ngành chức năng quan tâm thực hiện các biện pháp quản lý, bình ổn giá thị trường. Cụ thể như giảm thuế, phí để kéo giảm giá xăng dầu; xây dựng các điểm bán hàng bình ổn giá; xử lý nghiêm tình trạng vi phạm kinh doanh hàng hóa; bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra khan hàng, tăng giá đột biến.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top