Tăng diện tích trồng lúa từ khai hoang

07:44 - Thứ Hai, 27/03/2023 Lượt xem: 3535 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, các địa phương, các huyện vùng cao đã chú trọng công tác tuyên truyền kết hợp với thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa ruộng. Nhiều hộ dân đã thay đổi tư duy sản xuất từ luân canh sang thâm canh tăng vụ; chủ động khai hoang, phục hóa đất nương tạo thành ruộng có bờ để sản xuất lúa. Nhờ đó, diện tích đất trồng lúa không ngừng tăng. góp phần hạn chế việc phát rừng làm nương, giúp tái sinh rừng trên địa bàn.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông hướng dẫn người dân kỹ thuật sản xuất lúa trên đất mới khai hoang.

Xã Mường Luân là vùng trọng điểm trồng lúa 2 vụ của huyện Điện Biên Đông. Những năm gần đây, trên địa bàn xã có nhiều dự án thủy điện nhỏ được đầu tư xây dựng trên dòng sông Mã. Các nhà máy thủy điện đóng đập, tích nước khiến diện tích đất sản xuất của nhiều hộ dân bị thu hẹp. Do đó, nhiều hộ gia đình đã thay đổi tập quán canh tác luân canh trên nương bằng cách khai hoang, cải tạo thành ruộng bậc thang để sản xuất lúa 2 vụ, ổn định nguồn cung lương thực.

Sau hơn 1 năm theo dõi, đánh giá về sự ổn định của nguồn nước từ các khe suối, năm 2021, gia đình ông Lò Văn Năn, bản Mường Luân 2, xã Mường Luân đã thuê máy xúc để khai hoang, cải tạo gần 3.800m2 đất nương thành ruộng bậc thang để sản xuất lúa nước. Ông Năn cho biết: Diện tích đất sản xuất bị thu hẹp nên muốn tiếp tục canh tác luân canh trên nương như trước đây cũng rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lương thực của gia đình. Được cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn khai hoang ruộng nước, tôi đã rà soát toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình. Những vị trí thuận lợi về nguồn nước, tôi thuê máy cải tạo thành ruộng có bờ để sản xuất lúa nước. Đầu năm 2021, tôi đã hoàn thành khai hoang được 3 thửa ruộng. Sau gần 1 năm cải tạo đất và lắp đặt hệ thống dẫn nước về ruộng, từ vụ đông xuân năm 2022, tôi đã bắt đầu trồng lúa nước. Với tổng diện tích gần 3.800m2 sản xuất lúa 2 vụ cơ bản đáp ứng đủ lượng lương thực cho gia đình. Diện tích nương còn lại, tôi chuyển đổi từ trồng lúa nương sang trồng sắn, một phần bán cho thương lái tăng thu nhập, một phần phục vụ chăn nuôi.

Tương tự, năm 2021, hộ gia đình Lò Văn Pó, tổ dân phố 3, thị trấn Điện Biên Đông đã thuê máy để khai hoang 3.228m2 ruộng có bờ để sản xuất lúa 2 vụ. Ông Pó cho biết: Nhân lực lao động trong gia đình ngày càng ít, do đó để duy trì sản xuất trên nương là không phù hợp. Khi UBND thị trấn tuyên truyền, vận động khai hoang ruộng nước, tôi đã đăng ký tham gia. Đến nay, tôi đã khai hoang được trên 3.000m2 ruộng có bờ có thể canh tác 2 vụ lúa/năm. Sau khi sản xuất ổn định, UBND thị trấn đã hướng dẫn tôi hoàn thiện thủ tục để nhận tiền hỗ trợ khai hoang theo chính sách của nhà nước.

Không chỉ tại xã Mường Luân và thị trấn Điện Biên Đông, tại các xã: Luân Giói, Chiềng Sơ, Na Son, Phì Nhừ... những năm gần đây, các hộ dân tích cực khai hoang, phục hóa ruộng để sản xuất lúa nước. Năm 2022, toàn huyện Điện Biên Đông đã khai hoang được 4.944 thửa, tương đương gần 195ha, với 997 hộ tham gia, đạt 193% kế hoạch UBND huyện giao. Tổng diện tích phục hóa đạt 3,34ha với 17 hộ tham gia.

Ông Phạm Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết: Năm 2022, huyện đã hoàn thành nghiệm thu, thanh toán hỗ trợ khai hoang cho 1.402 hộ với tổng số tiền 2,558 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa đã giúp người dân trên địa bàn từng bước thay đổi tư duy sản xuất, góp phần tăng diện tích đất lúa trên địa bàn. Trong 2 năm 2021 - 2022, diện tích đất trồng lúa của huyện Điện Biên Đông tăng hơn 450ha.

Thống kê của Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021 toàn tỉnh đã triển khai được 516,89ha diện tích khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa nước. Diện tích khai hoang, phục hóa chủ yếu tập trung tại 3 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông và Nậm Pồ. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 4,945 tỷ đồng.

Ông Phạm Đình Lai, Trưởng phòng Trồng trọt cho biết: Hiện nay, UBND các huyện đang triển khai tổng hợp, rà soát và nghiệm thu, thanh toán diện tích khai hoang, phục hóa năm 2022. Việc thực hiện khai hoang, phục hóa đã khuyến khích được người dân mở rộng diện tích lúa nước, giảm dần diện tích lúa nương và các cây trồng trên nương khác. Từ đó dần thay đổi tập quán canh tác trên nương của đồng bào các dân tộc, góp phần đảm bảo lương thực, xóa đói, giảm nghèo.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top