Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn

10:03 - Thứ Tư, 12/04/2023 Lượt xem: 2385 In bài viết

ĐBP - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đây là nhóm có nhu cầu cao trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhiều năm qua, mặc dù chính sách tín dụng đối với DNNVV được triển khai khá đầy đủ qua nhiều kênh: tín dụng thương mại tại các ngân hàng thương mại, tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhóm DNNVV vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên hỗ trợ khách làm thủ tục vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã triển khai đầy đủ các chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lí, đồng thời tạo điều kiện tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có DNNVV) thấp hơn 1% - 2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Vừa qua, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).

Mặc dù tín dụng đối với DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn gặp phải những khó khăn, bất cập.

Có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân chính vẫn là do doanh nghiệp trên địa bàn đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng. Bên cạnh đó, sau 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều DNNVV đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng do bị chuyển nhóm nợ nên khó tiếp cận vốn vay. Ngoài ra, một số DNNVV đầu tư kinh doanh vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp hoặc chưa chứng minh được hiệu quả các dự án đầu tư nên cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Đa số DNNVV đều cho rằng: “Chỉ khi các ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay, DNNVV mới có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi. Mặc dù, các ngân hàng đã có nhiều chương trình giãn nợ, hỗ trợ lãi suất tuy nhiên với cơ chế siết chặt như hiện nay việc tiếp cận vốn của DNNVV vẫn rất khó khăn”.

Về phía ngành Ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Do đó không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng. Các ngân hàng khẳng định việc cho vay luôn cần đảm bảo về chất lượng tín dụng. Chính vì vậy, các DNNVV phải nâng cao năng lực quản trị tài chính, phải chứng minh được tính khả thi các phương án vay vốn.

Cùng với khó tiếp cận vốn tín dụng, việc tiếp cận nguồn vốn chính sách cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như chính sách cho vay trả lương ngừng việc theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn tỉnh chỉ giải ngân được trên 2 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp. Hoặc chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, sau 1 năm Nghị định có hiệu lực, toàn tỉnh mới chỉ có Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên thực hiện giải ngân khoản vay hỗ trợ lãi suất 1,44 tỷ đồng đối với 1 khách hàng. Các chi nhánh ngân hàng thương mại còn lại chưa phát sinh các khoản vay hỗ trợ lãi suất.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV, thời gian tới NHNN Chi nhánh tỉnh Điện Biên và các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật. Chính quyền các cấp tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng triển khai Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của DNNVV. Đối với các DNNVV cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top