Cả nước huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

12:03 - Thứ Hai, 17/07/2023 Lượt xem: 3868 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (17/7), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)  giai đoạn 2021 - 2023; bàn giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030. Dự tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, hạ tầng KTXH tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định, vững chắc; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn khoảng 5,4% (giảm 1,7% so với năm 2020); giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng 3,36% (cao nhất trong những năm gần đây); môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn ổn định. Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình.

Tại tỉnh Điện Biên, đến nay có 21/115 xã đạt chuẩn NTM, có 28 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 52 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 14 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 13,51 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 36,57%; có 122 thôn bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu (tăng 39 thôn, bản so với giai đoạn 2016-2020).

Hội nghị tập trung thảo luận về một số nội dung, như: Xây dựng, phát triển bền vững các sản phẩm OCOP; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; việc lựa chọn các mô hình thí điểm xây dựng NTM tại các địa phương; việc lồng ghép các chính sách đã ban hành với Chương trình còn gặp khó khăn ở nhiều địa phương; việc tiếp cận, các bước tổ chức xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn...

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm nhằm triển khai hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Chương trình, như: Tiếp tục xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, trong đó chú trọng lồng ghép tuyên truyền, thay đổi tư duy về vai trò, cách làm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM; tập trung các giải pháp xây dựng mô hình thí điểm; tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu và kết nối du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, các địa phương quan tâm tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn và xây dựng chính sách hỗ trợ, cơ sở dữ liệu; kiểm tra, giám sát triển khai Chương trình.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top