Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

09:49 - Thứ Sáu, 21/07/2023 Lượt xem: 3109 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD), nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Hiệu quả, vai trò công tác BVQLNTD đối với các cơ quan chức năng cũng được nâng lên.

Lực lượng quản lý thị trường phối hợp lực lượng công an tiến hành kiểm tra Cửa hàng 32 thuộc Công ty Xăng dầu Ðiện Biên. Ảnh: Mai Phương

Ðảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, cuối tháng 6 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Ðội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa đối với Cửa hàng 32 (thuộc Công ty Xăng dầu Ðiện Biên) tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng. Qua kiểm tra phát hiện Cửa hàng 32 không ghi thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NÐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Căn cứ Nghị định số 99/2020/NÐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Xăng dầu Ðiện Biên với số tiền 2 triệu đồng. Ðây là một trong nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng thời gian qua nhằm tăng cường giám sát thị trường, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về chất lượng, đo lường và gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về BVQLNTD.

Công tác BVQLNTD trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực: Công thương, quản lý thị trường, y tế, nông nghiệp, khoa học và công nghệ… Trong đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp với các lực lượng khác kịp thời đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ðồng thời, vận động nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật đến các cơ quan chức năng thông qua đường dây nóng. Triển khai thực hiện Luật BVQLNTD, lực lượng chức năng tỉnh đã tổ chức kiểm tra 19.675 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 8.603vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 7,9 tỷ đồng về các hành vi: Buôn lậu, buôn bán hàng cấm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Tiêu biểu như trong lĩnh vực y tế, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 9.787 lượt cơ sở, qua đó phát hiện 354 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 394 triệu đồng về các hành vi vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, lực lượng chức năng cũng tổ chức 746 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 173 trường hợp với tổng số tiền 761 triệu đồng. Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, hàng năm chính quyền địa phương đều xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng. Trong đó phân công Ban quản lý các chợ triển khai tuyên truyền đến các hộ gia đình, thương nhân kinh doanh nâng cao trách nhiệm BVQLNTD, chú trọng công tác hòa giải giữa người tiêu dùng và người bán hàng.

Khắc phục hạn chế, bất cập

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 34 chợ đang hoạt động (trong đó chợ Suối Lư huyện Ðiện Biên Ðông hiện đang tạm ngừng hoạt động để chuẩn bị đầu tư xây dựng nâng cấp). Các chợ đều nằm trong quy hoạch, hoạt động chủ yếu là bán lẻ hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của dân cư nội vùng; trong đó có 16 chợ thành thị, 18 chợ nông thôn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp một số chợ như: Chợ thị trấn Tủa Chùa, cải tạo nâng cấp chợ Mường Phăng và chợ Thanh Trường, khởi công xây dựng chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh, Chợ trung tâm xã Búng Lao.

Trên cơ sở các chính sách pháp luật về BVQLNTD của Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về BVQLNTD như treo băng rôn, cờ, phát tờ rơi tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... nơi có số lượng lớn người tiêu dùng đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Mặc dù vậy theo nhận định của Sở Công Thương, công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BVQLNTD còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong khi đó, tỉnh ta có diện tích rộng, địa hình chia cắt, dân cư không tập trung dẫn đến khó khăn trong việc tuyên truyền, giám sát việc thực hiện BVQLNTD. Người tiêu dùng khu vực vùng cao, vùng nông thôn thường có thói quen sử dụng sản phẩm rẻ, phù hợp với túi tiền mà chưa mấy quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, thường lựa chọn sản phẩm tiện dụng, có sẵn, dù chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn phổ biến. Trong khi đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, lĩnh vực thanh tra chuyên ngành rộng dẫn đến chất lượng một số cuộc thanh tra, kiểm tra chất lượng chưa cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thanh tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm trên thị trường ít. Hiện nay tỉnh ta vẫn chưa thành lập được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để làm đầu mối, nhận khiếu nại và thực hiện xử lý, hòa giải mâu thuẫn, dẫn đến hiệu quả công tác bảo vệ BVQLNTD chưa cao. Do tâm lý ngại va chạm, phản ánh của người tiêu dùng, từ năm 2018 đến nay ngành Công Thương cũng chưa tiếp nhận tư vấn, yêu cầu hỗ trợ hoặc khiếu nại của người tiêu dùng.

Ðể khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực hiện Luật BVQLNTD, đáp ứng yêu cầu thực tế khách quan về tăng cường và đẩy mạnh hiệu quả của công tác BVQLNTD dùng trong giai đoạn hiện nay, ngày 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với nhiều quy định mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác BVQLNTD trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành chức năng tỉnh tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi về Luật BVQLNTD. Tăng cường thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng thường xuyên; giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng lên án, “tẩy chay” hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top