Đề xuất ưu tiên vận tải hành khách công cộng khối lớn

16:22 - Thứ Sáu, 24/11/2023 Lượt xem: 4956 In bài viết

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, sáng 24-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ.

Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe điện

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương), khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp. Phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn.

Vận tải hành khách công cộng khối lớn là thuật ngữ chuyên ngành gồm đường sắt đô thị (đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng, đường xe điện bánh sắt), hệ thống xe buýt (xe buýt nhanh- BRT, xe buýt).

Cùng với đó, cần bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn. Đồng thời, cần cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển đường bộ phục vụ các đối tượng dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...) trong các điều luật của Dự thảo.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, cần bổ sung quy định về ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe điện. Hiện nay, đã hình thành loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe điện. Dự báo, loại hình này sẽ phát triển thời gian tới.

“Cần có chính sách ưu tiên để phát triển (xe điện - PV) thành phương tiện phổ thông, phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần phát triển giao thông xanh, bảo vệ môi trường”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương kiến nghị.

Quy định hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô

Góp ý về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Bởi vì trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến việc đưa đón học sinh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) phát biểu,

Cho rằng, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định: Hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) phát biểu.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho rằng, việc xây dựng tách biệt 2 dự thảo Luật này khá khó khăn, nhất là các nội dung liên quan cùng có quy định tại 2 dự thảo Luật.

“Có nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một hay cả hai luật. Ví dụ, với xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định, lái xe phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ có quy định đối với người quản lý…”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu dẫn chứng.

Chú trọng giao thông nông thôn

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) đề nghị, cần có quy định thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đại biểu, tại Khoản 1, Điều 5, dự thảo Luật đề cập nhiều hơn về các chính sách cụ thể để hỗ trợ cải thiện đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) phát biểu.

Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất thành các chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và việc xã hội hóa…

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 24-11.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ, Ban soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tiếp thu các ý kiến đại biểu.

Báo cáo làm rõ các nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, về vấn đề chung như nội hàm, phạm vi điều chỉnh, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát, bảo đảm tính thống nhất, không trùng lặp và thuận lợi trong áp dụng.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Có 24 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, 17 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top