Sử dụng tác nhân sinh học quản lý sâu keo mùa thu

15:51 - Thứ Ba, 26/12/2023 Lượt xem: 5354 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại trên ngô từ năm 2019. Với những đặc tính: khả năng di chuyển nhanh, xa; đẻ nhiều lứa gối nhau trên đồng ruộng... khiến nông dân khó kiểm soát, xử lý. Phòng chống sâu keo, nông dân chủ yếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phun trừ nhiều lần làm tăng nguy cơ kháng thuốc của loài sâu hại này; ảnh hưởng môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Trước thực trạng đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã triển khai giải pháp sử dụng tác nhân sinh học phòng trừ sâu keo. Phương pháp nàyhạn chế tối đa việc người dân sử dụng thuốc hóa học tràn lan, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất an toàn, bền vững; nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. 30 nông dân chuyên trồng ngô ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên được tham gia lớp huấn luyện nông dân quản lý dịch hại tổng hợp (IPM/IPHM) đối với sâu keo mùa thu trên ngô do Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Trung tâm BVTV phía Bắc triển khai thực hiện.

Mô hình quản lý tổng hợp IPM sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) trên cây ngô sử dụng bẫy bả chua ngọt để thu hút và tiêu diệt sâu trưởng thành trước khi sâu non gây hại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.

Thời gian lớp huấn luyện kéo dài trong suốt vụ ngô và tập trung vào 5 giai đoạn sinh trưởng của cây ngô. Khóa huấn luyện áp dụng phương châm “cầm tay chỉ việc”, kết hợp nhịp nhàng giữa lý thuyết với các thí nghiệm đồng ruộng. Trong mọi hoạt động, học viên được thảo luận theo phương pháp 2 chiều, giảng viên là người điều hành, hướng dẫn thảo luận, từ đó lớp học rút kinh nghiệm, bổ sung giữa lý thuyết với thực tế, tổng hợp vấn đề và giải quyết thắc mắc khi cần thiết. Qua đó thay đổi cho phù hợp với điều kiện canh tác, đất đai của địa phương.

Ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng thôn Bãi màu, xã Thanh Yên cho biết: Mặc dù là người trồng ngô nhiều năm nhưng khi tham gia lớp huấn luyện này, tôi cũng như các học viên mới nhận biết được đâu là sâu hại, đâu là thiên địch để có biện pháp quản lý phù hợp. Tham gia thực nghiệm các thí nghiệm như: so sánh khả năng chống chịu của một số giống ngô với sâu keo mùa thu, thí nghiệm về hiệu quả của đặt bẫy bả, thí nghiệm giả tạo sâu ăn lá... tôi thấy dễ áp dụng với điều kiện thực tế sản xuất, hiệu quả phòng trừ cao, không tốn nhiều chi phí sản xuất mà tăng hiệu quả kinh tế.

Học viên tham gia lớp huấn luyện thực hành thí nghiệm làm bẫy bả để tiêu diệt sâu keo mùa thu, làm giảm mật độ sâu trên đồng ruộng.

Phương pháp áp dụng IPM/IPHM trong quản lý sâu keo mùa thu đã cho thấy hiệu quả kiểm soát sâu keo mùa thu, giảm 2 lần thuốc BVTV, giảm 20% lượng giống, 20% lượng phân đạm, giảm chi phí đầu vào so với tập quán canh tác trước đây của nông dân.

Ông Phạm Đình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Lớp huấn luyện giúp nông dân nắm bắt được quy trình quản lý tổng hợp các loại sâu bệnh hại trên cây ngô, quy trình quản lý sâu keo mùa thu tổng hợp. Theo các giai đoạn quan trọng, các học viên ra đồng điều tra hệ sinh thái ruộng ngô để quan sát các chỉ tiêu về sự sinh trưởng, phát triển; diễn biến mật độ, tỷ lệ hại của sâu bệnh phát sinh cũng như thảo luận đánh giá, phân tích và đưa ra các biện pháp quản lý tiếp theo. Qua đó, học viên nắm được kỹ thuật đo đếm, các chỉ tiêu quan sát, biết cách đánh giá và đưa ra quyết định dựa trên thực tế đồng ruộng.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ngô.

Với kiến thức được trang bị giúp học viên hiểu biết thêm tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, vững tin trong quá trình thực hiện IPM vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời những nông dân tham gia huấn luyện sẽ là đầu mối lan tỏa chương trình IPM ở địa phương.

Anh Lò Văn Ngọc, cán bộ khuyến nông xã Thanh Yên cho biết: Những kiến thức được tiếp thu từ lớp huấn luyện rất thiết thực đối với nông dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, trên nền tảng đó xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi theo hướng canh tác bền vững. Hướng dẫn các thôn, đội tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình quản lý sâu keo mùa thu tổng hợp trên ngô trong các vụ tiếp theo.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top