ĐBP - Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã và đang tập trung phát triển vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa quy mô lớn; xây dựng các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gạo Điện Biên. Nhờ đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, đầu tư các dự án sản xuất, chế biến gạo chất lượng cao trên địa bàn, từ đó, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Noong Hẹt là xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Tuy nhiên, trước năm 2020 người dân xã Noong Hẹt vẫn duy trì phương thức sản xuất quy mô hộ gia đình. Sản phẩm lúa gạo được bán cho các hộ kinh doanh dịch vụ xay xát trên địa bàn. Do đó, chất lượng, giá trị chưa được nâng cao, thương hiệu gạo Điện Biên chưa được nâng tầm.
Từ năm 2020, UBND xã Noong Hẹt đã chú trọng công tác thu hút đầu tư, khuyến khích các hợp tác xã liên kết với người dân tạo thành vùng sản xuất tập trung. Hợp tác xã đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản và phụ trách việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh, tăng giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn xã Noong Hẹt đã hình thành 2 liên kết sản xuất, 2 vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao tập trung; diện tích vùng sản xuất liên tục tăng qua các năm.
Năm 2020, HTX Tâm Thiện bắt đầu xây dựng liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại xã Noong Hẹt. Từ diện tích ban đầu 5ha, sau 3 năm triển khai, hợp tác xã đã mở rộng lên hơn 50ha.
Bà Trần Thị Hương Quế, Giám đốc HTX Tâm Thiện cho biết: Vùng liên kết chỉ sản xuất một giống lúa séng cù. HTX liên kết sản xuất với các hộ có diện tích ruộng sát nhau, tạo vùng sản xuất tập trung để thuận tiện áp dụng cơ giới hóa, chăm sóc và thu hoạch. Sau 3 năm triển khai, năm 2022, sản phẩm gạo Tâm Thiện đã được công nhận đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao. Chứng nhận sản phẩm OCOP như là “giấy thông hành” giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Huyện Điện Biên Đông nổi tiếng với sản phẩm gạo nếp tan. Mặc dù có chỗ đứng nhất định trên thị trường song độ phủ của sản phẩm rất hẹp. Nguyên nhân chính là do vùng sản xuất nhỏ, manh mún, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Do đó, những năm gần đây, huyện Điện Biên Đông đã nỗ lực mở rộng diện tích theo hướng sản xuất tập trung.
Xã Luân Giói có diện tích đồng ruộng bằng phẳng, hệ thống thủy lợi được đầu tư kiên cố, khá đồng bộ, là xã được huyện Điện Biên Đông lựa chọn phát triển vùng liên kết gạo nếp tan. Trước đây, nếp tan ở Luân Giói chỉ được bà con sản xuất với diện tích nhỏ khoảng 500 - 1.000m2/hộ, chỉ đủ phục vụ nhu cầu gia đình. Năm 2022 - 2023, HTX Anh Thơ (xã Luân Giói) triển khai mô hình liên kết sản xuất nếp tan với quy mô 50ha. Sau 2 năm thực hiện, vùng nguyên liệu sản phẩm ổn định, sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao và được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Điện Biên Đông công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc HTX Anh Thơ Luân Giói cho biết: Vùng nguyên liệu sản phẩm nếp tan hiện nay vẫn đang quá nhỏ so với nhu cầu thị trường. Những năm tới, Hợp tác xã tiếp tục vận động, khuyến khích người dân tham gia mô hình liên kết sản xuất nếp tan. Từ đó, tạo vùng nguyên liệu rộng lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ về chế biến, bảo quản và bao bì sản phẩm để sản xuất ra được những hạt gạo chất lượng, từng bước khôi phục thương hiệu gạo nếp tan Điện Biên Đông trên thị trường nong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, các địa phương đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa gạo, xây dựng các liên kết và mở rộng vùng sản xuất chuyên canh. Tuy nhiên, để các liên kết sản xuất hoạt động bền vững, cần thêm các chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời và phù hợp.
Đối với 2 sản phẩm gạo Tâm Thiện và gạo nếp tan Luân Giói, chính quyền các cấp từ xã đến huyện luôn ưu tiên hỗ trợ các chủ thể liên kết trong sản xuất, giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại, đặc biệt là xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Huyện Điện Biên Đông luôn ưu tiên lồng ghép các chính sách, nguồn vốn chung mục tiêu để phát triển vùng sản xuất gạo nếp tan ở Luân Giói. UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ tối đa chủ thể liên kết để xây dựng thành công sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đây là tiền đề để sản phẩm vươn ra thị trường ngoài tỉnh. UBND huyện cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đưa sản phẩm nếp tan Luân Giói giới thiệu, quảng bá tại các hội nghị xúc tiến thương mại trên toàn quốc.
Tương tự, huyện Điện Biên đã và đang ưu tiên nguồn lực, chính sách phát triển vùng sản xuất chuyên canh lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh. Hiện nay, các xã vùng lòng chảo Mường Thanh đều xây dựng ít nhất 1 liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao.
Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Các doanh nghiệp cần tích cực liên kết với nông dân, mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo đạt chuẩn. Qua đó, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hiệu quả, bền vững. UBND huyện Điện Biên đang tích cực thu hút đầu tư, mời gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án về sản xuất lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh. Bên cạnh phát huy nội lực, huyện Điện Biên tiếp tục kiến nghị với tỉnh ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn.
Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã có các chính sách kịp thời, phù hợp để phát triển vùng sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị. Hiện nay, HĐND, UBND tỉnh đang nghiên cứu để ban hành nghị quyết, quyết định về cơ chế, chính sách mới nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có nội dung quan trọng là hỗ trợ phát triển vùng sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị bền vững.