Vấn đề hôm nay

Quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

21:03 - Thứ Bảy, 29/06/2024 Lượt xem: 5359 In bài viết

ĐBP - Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang có xu hướng ngày càng tăng, diễn biến phức tạp; số lượng vật nuôi phải tiêu hủy bởi dịch bệnh ngày càng lớn, ảnh hưởng hộ chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm. Điện Biên là địa phương có đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh nên nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm xâm nhập, lây lan rất lớn. Do đó, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Tiêu hủy lợn chết do dịch tả châu Phi. Ảnh: CTV

Tổng hợp từ Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn cả nước, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 5.373 hộ chăn nuôi của 1.429 thôn, bản ở 498 xã của 156 huyện thuộc 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 26.400 con. Bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 44 xã của 13 tỉnh, thành phố; 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại với 45 trường hợp người tử vong; trên 60 xã của 9 tỉnh có dịch viêm da nổi cục; dịch cúm gia cầm xảy ra tại 7 tỉnh phải tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm, đặc biệt đã có 1 người chết vì nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và 1 người nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H9N2.

Tại Điện Biên, từ đầu năm đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 69 hộ chăn nuôi của 31 thôn, bản ở 11 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị (Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà, TX. Mường Lay) buộc phải tiêu hủy 312 con với tổng trọng lượng 15.148kg. Tiêu hủy nhiều nhất là huyện Điện Biên với 241 con lợn nhiễm bệnh ở địa bàn 6 xã. Bệnh lở mồm long móng xảy ra rải rác tại 11 xã của 4 huyện; bệnh dại xảy ra ở 5 huyện với 10 mẫu xét nghiệm chó dương tính với vi rút dại và 1 người ở Mường Nhé đã tử vong do bị chó dại cắn. Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh khá lớn song hình thức chăn nuôi phổ biến nhỏ lẻ; nếu không thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập đàn gia súc, gia cầm rất lớn, ảnh hưởng nguồn cung thực phẩm, sức khỏe người dân và môi trường sống.

Ngay khi tái phát dịch tả lợn châu Phi, huyện Điện Biên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã thực hiện các giải pháp khoanh vùng, dập dịch không để dịch lây lan rộng. Trong vòng hơn 1 tháng từ hộ đầu tiên có lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi dịch bệnh đã lan ra 35 hộ chăn nuôi, thuộc 18 thôn, bản của 4 xã. Khi phát hiện dịch bệnh, các hộ chăn nuôi đã báo chính quyền và thực hiện phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột trong và xung quanh khu vực chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y song dịch bệnh vẫn lây lan. Với đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng mắc dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, dịch tả lợn châu Phi gia tăng và lây lan nhanh tại các địa phương trong cả nước thời gian qua một phần do không có kiểm dịch nội tỉnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, cơ sở giết mổ tập trung rất ít. Hệ thống thú y cấp tỉnh và cấp huyện hiện nay rất lỏng lẻo, sáp nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp, không bảo đảm nguồn lực triển khai phòng chống dịch bệnh. Các ổ dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, vệ sinh chuồng trại kém. Một số địa phương còn hiện tượng giấu dịch, chậm báo cáo dịch; người chăn nuôi bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh, thậm chí vứt xác lợn chết gây ô nhiễm môi trường.

Hộ chăn nuôi xã Thanh Luông, huyện Điện Biên rắc vôi bột, khử trùng chuồng nuôi sau khi lợn bị dịch tả châu Phi. Ảnh: Phạm Trung

Để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, cuộc sống của người chăn nuôi và sức khỏe người dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan chuyên môn tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Huy động các nguồn lực hợp pháp để giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi và tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi...

Việc kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trước hết ở người chăn nuôi. Ngay khi phát hiện vật nuôi nhiễm bệnh ngoài báo cáo chính quyền người chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, dập tắt ổ dịch khi ở diện hẹp. Tránh tình trạng tiếc công sức để mua bán, vận chuyển vật nuôi đi nơi khác càng làm dịch bệnh lây lan nhanh, rộng, khó xử lý. Chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn nghiên cứu huy động nguồn lực hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.

Cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngay từ khi mới phát sinh ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.

Gia Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top