Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển đô thị

14:19 - Thứ Hai, 12/08/2024 Lượt xem: 4570 In bài viết

ĐBP - Phát triển đô thị được coi là động lực, hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương. Vì vậy, những năm qua cùng với việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch thì tỉnh Điện Biên chú trọng huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, tận dụng tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên để đẩy mạnh phát triển đô thị.

TP. Điện Biên Phủ khai thác mọi tiềm năng, lợi thế phấn đấu trở thành đô thị loại II.

Tỉnh Điện Biên đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, thực hiện đầu tư. Trong đó phát triển TP. Điện Biên Phủ là “hạt nhân” để lan tỏa, thu hút đầu tư.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, những năm gần đây, Điện Biên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến tìm hiểu, thực hiện dự án. Nhiều chương trình, dự án đã và đang được đầu tư; một số công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị Điện Biên.

Điển hình như dự án Trung tâm thương mại và Nhà ở thương mại TP. Điện Biên Phủ do Tập đoàn Vingroup thực hiện. Dự án đưa vào sử dụng tạo động lực đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, hiện thực hóa quy hoạch xây dựng TP. Điện Biên Phủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, dự án trở thành điểm nhấn đô thị, nơi người dân mua sắm, tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao tại TP. Điện Biên Phủ.

Hiện nay nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đang được đầu tư từ vốn ngoài ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, như: Tập đoàn Mường Thanh đang triển khai dự án Khách sạn Mường Thanh Luxury Điện Biên; dự án Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh; dự án Khu dân cư, dịch vụ thương mại tại xã Thanh Hưng, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên); dự án Khu dân cư đô thị Mường Thanh A; Khu dân cư đô thị Mường Thanh B; Khu dân cư đô thị Him Lam 7; Khu đô thị mới Bắc Hồng Cúm; Khu đô thị, du lịch, vui chơi giải trí khu vực hồ Pá Khoang…

Dự án Trung tâm thương mại và Nhà ở thương mại TP. Điện Biên Phủ góp phần thay đổi bộ mặt đô thị TP. Điện Biên Phủ.

Thời gian qua, công tác quản lý và phát triển đô thị của tỉnh có những chuyển biến rõ nét, nhất là đô thị TP. Điện Biên Phủ dần khẳng định vị trí, vai trò động lực, đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh. Không gian, kiến trúc, cảnh quan hệ thống đô thị ngày càng hiện đại, đồng bộ và vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường được cải thiện theo hướng xanh - sạch - đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Hiện nay toàn tỉnh có có 7 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (TP. Điện Biên Phủ), 1 đô thị loại IV (TX. Mường Lay) và 5 đô thị loại V (thị trấn Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Chà). Đến nay, 100% các đô thị, trung tâm huyện lỵ đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch chung xây dựng điều chỉnh. Công tác quản lý quy hoạch được chặt chẽ, dần đi vào nền nếp, các quy hoạch được duyệt đều được công bố, công khai để người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin về quy hoạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đô thị Điện Biên cũng còn một số tồn tại. Đó là đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỉ lệ đô thị hóa thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước; phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán. Các đô thị hiện có của tỉnh đều ở quy mô vừa và nhỏ; hệ thống đô thị còn thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng. Đầu tư cho phát triển đô thị còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị cho phát triển đô thị.

Một góc đô thị TX. Mường Lay.

Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 11 đô thị, gồm 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32%. Trong đó, xây dựng TP. Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh là đô thị loại II; thị trấn Tuần Giáo và TX. Mường Lay đô thị loại IV; Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa đô thị loại V và hình thành mới 4 đô thị loại V, gồm: Thị trấn Thanh Xương (huyện Điện Biên), thị trấn Nậm Pồ (huyện Nậm Pồ), thị trấn Mường Nhé (huyện Mường Nhé) và đô thị Bản Phủ (huyện Điện Biên).

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển đô thị còn hạn chế, chủ trương của tỉnh Điện Biên là tận dụng tiềm năng, lợi thế về vị trí, tài nguyên, nguồn nhân lực làm trọng tâm để đẩy mạnh phát triển đô thị. Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hoàn chỉnh và thông thoáng nhằm thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư cho phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa nguồn lực Nhà nước với các nguồn lực xã hội. Phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top