Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp

16:15 - Thứ Tư, 21/08/2024 Lượt xem: 2826 In bài viết

Phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp thanh niên có nhiều mô hình kinh tế giỏi, đóng góp tích cực trong thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của nhân dân địa phương.

Anh Lò Văn Cường, bản Hốn, xã Chiềng Bôm, chăm sóc diện tích cây cà phê.

Là trụ cột trong gia đình, anh Lò Văn Cường, bản Hốn, xã Chiềng Bôm, luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Năm 2021, qua tổ chức hội, anh được vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển đổi diện tích trồng ngô sang thâm canh cây cà phê, chăn nuôi gia súc. Anh Cường đã xây dựng mô hình kinh tế hộ với 7 ha cây cà phê, 1.000m2 ao nuôi cá, 4 con trâu, thâm canh 1 ha lúa nước, nuôi lợn thương phẩm, mỗi năm xuất bán 20 tấn lợn thịt. Trừ các chi phí, gia đình thu lãi từ chăn nuôi, trồng trọt khoảng 280 triệu đồng/năm.

Anh Cường phấn khởi: Được Hội hỗ trợ, tư vấn và quyết tâm, kiên trì của bản thân đã tạo được cho gia đình một mô hình kinh tế tổng hợp đem lại thu nhập ổn định. Năm 2023, tôi được Tỉnh đoàn tặng bằng khen thành tích hoạt động sản xuất, kinh doanh giỏi.

Còn anh Lò Văn Thảo, bản Chiềng Cang, xã Chiềng La, khởi nghiệp với mô hình sản xuất rượu men lá truyền thống của dân tộc Thái đen. Năm 2020, anh Thảo đã vận động một số hộ dân thành lập HTX Tay Đăm do anh làm giám đốc. HTX đăng ký hoạt động với các ngành nghề: Nấu rượu truyền thống, chăn nuôi. Trong sản xuất rượu, thành viên HTX sử dụng sản phẩm gạo nếp địa phương. Men rượu là lá cây lấy trên rừng, giã và ủ lên men tự nhiên. Ngoài ra, HTX đầu tư xây dựng hệ thống lọc khử các chất độc tố. Hiện nay, sản phẩm rượu của HTX đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng để lưu thông trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm trừ chi phí, HTX thu lãi 300 triệu đồng.

Anh Lò Văn Thảo chia sẻ: HTX đã đăng ký với huyện xây dựng sản phẩm OCOP. Các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất an toàn; khảo sát, đánh giá tiềm năng, hoạt động tài chính, nguồn gốc sản phẩm chế biến rượu; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để tham gia sản phẩm OCOP.

Đây chỉ là hai trong số hàng trăm mô hình thanh niên khởi nghiệp của huyện. Anh Thào A Sinh, Chủ tịch Hội, thông tin: Hội Liên hiệp Thanh niên huyện có trên 7.000 thanh niên tham gia sinh hoạt ở 29 cơ sở hội các xã, thị trấn và các câu lạc bộ trực thuộc. Lực lượng thanh niên trẻ hiện nay khá nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp.

Hằng năm, các cơ sở hội chủ động hướng về cơ sở khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên để phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; lựa chọn xây dựng các mô hình kinh tế điểm để nhân rộng. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án của Đoàn, Hội, như: Đề án “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2019-2022; Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Thủ tướng ban hành và Kế hoạch hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2023-2030 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn.

Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Agribank Chi nhánh Thuận Châu tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, với tổng dư nợ hơn 194 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức đánh giá mức độ khả thi, hiệu quả của mô hình và sức lan tỏa nếu được triển khai nhân rộng để làm căn cứ đề nghị Tỉnh đoàn hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp.

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Hội đã phối hợp tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; duy trì và củng cố hoạt động của các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp. Vận động thanh niên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia diễn đàn thanh niên khởi nghiệp, ngày hội thanh niên khởi nghiệp, các cuộc thi “ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do cấp huyện, tỉnh tổ chức. Giai đoạn 2019-2024, Hội đã hỗ trợ 4 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tổ chức hơn 30 hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm với 15.000 lượt thanh niên tham gia; thành lập và duy trì 24 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi...

Trong bước đi tiếp theo, Hội LHTN Việt Nam huyện tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực áp dụng chuyển đổi số cho thanh niên lập nghiệp. Tập huấn, hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên làm kinh tế... Phấn đấu đến năm 2029, hỗ trợ ít nhất 3 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 1.000 thanh niên được tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức 2 hoạt động tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng và duy trì 3 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi...

Trần Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top