ĐBP - Phát huy vai trò chủ công trong phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xử lý nghiêm minh các vụ việc.
Chị Bùi Thị T.B. ở phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ bị các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại tự xưng là cán bộ điều tra của công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh thông báo rằng thông tin tài khoản ngân hàng của chị liên quan đến hoạt động đường dây mua bán người. Ðể phục vụ công tác điều tra, chị B. phải chuyển một số tiền theo yêu cầu vào số tài khoản đối tượng cung cấp để xác minh, nếu chị không tuân thủ thì sẽ thực hiện lệnh bắt. Vì quá hoang mang, lo sợ nên chị B. đã đi rút toàn bộ số tiền tiết kiệm để gửi, nhưng rất may người nhà phát hiện ngăn chặn kịp thời.
Cũng rơi vào bẫy kịch bản giống hệt chị B., nhưng bà Nguyễn Thị H. L. trú tại phường Thanh Bình không may mắn như vậy, sau khi nghe điện thoại của các đối tượng lừa đảo, bà L. đã nhanh chóng rút hết khoản tiền tiết kiệm 570 triệu đồng và chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp bị các đối tượng gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua không gian mạng. Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh diễn biến tương đối phức tạp với nhiều phương thức, gây thiệt hại và bức xúc trong nhân dân. Các đối tượng lợi dụng mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với bị hại, lợi dụng tâm lý cả tin để dùng thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại, phổ biến là mượn tài sản rồi mang đi cầm cố, lừa xin việc làm, chuyển nhượng đất đai… Hoặc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án; mạo cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, công an các địa phương thông báo cho chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra để đe dọa, khai thác các thông tin cá nhân. Sau đó yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt...
Theo đánh giá của Công an tỉnh, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, chưa sâu rộng; công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực như: Tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, công chứng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có lúc, có nơi còn những sơ hở, thiếu sót dễ bị lợi dụng. Bên cạnh đó một bộ phận quần chúng nhân dân nhận thức còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn tổ chức 473 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo cho trên 43.360 lượt người nghe. Cùng với đó, thường xuyên rà soát, phát hiện đấu tranh với các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng khẩn trương điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kịp thời phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Cơ quan công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh khẩn trương hoàn thành điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã tiếp nhận 84 tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó đã xác minh, giải quyết 82/84 tin, quyết định khởi tố vụ án 13 tin; hiện đang xác minh, giải quyết 2 tin. Phát hiện, khởi tố, điều tra 13 vụ, 11 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng. Ðiển hình là tháng 4/2023 cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Ðiện Biên Phủ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Châu L., trú tại tổ 5, phường Noong Bua về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ðối tượng Nguyễn Thị Châu L. trước đây làm việc tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh nhưng đã nghỉ việc, không có thu nhập ổn định. L. mạo nhận có mối quan hệ quen biết thân tín, có thể xin được việc làm. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022, đối tượng này đã nhận 215 triệu đồng của các anh: Vàng A Ca, Sùng A Láo cùng trú tại bản Thớ Tỷ, xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo) để xin việc tại các cơ quan Nhà nước. Toàn bộ số tiền này đã bị L. dùng vào mục đích chi tiêu cá nhân.