Tăng cường các biện pháp ngăn chặn hành vi mua bán trái phép hóa đơn

09:18 - Thứ Tư, 12/06/2024 Lượt xem: 4552 In bài viết

Trong thời gian qua, tình trạng mua bán hoá đơn trục lợi dù đã được ngành Thuế ráo riết ngăn chặn, tích cực truyền thông, song vẫn còn một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng của việc thành lập doanh nghiệp (DN) theo quy định để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập DN không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính.

Nhận diện hành vi mua bán trái phép hoá đơn

Trong các năm qua, hàng trăm vụ án và hàng nghìn người có liên quan đến hành vi mua bán trái phép hoá đơn đã bị xử lý. Có thể điểm danh một số vụ việc điển hình như vụ TAND tỉnh Phú Thọ đã xét xử 100 người trong đường dây mua bán khống hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) lớn nhất cả nước do bị cáo Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, trú tại TP. Hồ Chí Minh), lao động tự do cầm đầu. Tú thuê “đàn em” mua 646 DN qua hình thức online, chi phí 50 - 60 triệu đồng/DN. Qua mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới trung gian (F1) để bán hóa đơn GTGT.

Trong 22 tháng hoạt động, Tú bị cáo buộc bán 1.025.712 hóa đơn GTGT khống cho 88.053 DN, tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng, hưởng lợi 0,7-1,5% doanh số. Tính theo tổng số hóa đơn đã bán, Tú bị cáo buộc thu về hơn 294 tỷ đồng. Hay TAND TP Hải Phòng mới đây đã xét xử vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước.

Theo đó, các bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã quản lý điều hành 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, nhằm kiếm lời bất chính. Kết quả điều tra xác định, số lượng hóa đơn các đối tượng mua bán trái phép là hơn 15.674 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng…

Trước thực trạng việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều, với mục đích để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, Tổng cục Thuế khẳng định hành vi trái pháp luật này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, trong quá trình quản lý thuế, cơ quan thuế phân tích, nhận diện ra thủ đoạn các đối tượng sử dụng nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, gây mất công bằng trong xã hội.

“Các DN thành lập với mục đích gian lận về hóa đơn chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn từ 1 năm đến 2 năm, sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục với cơ quan có thẩm quyền để tránh thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. DN sử dụng hóa đơn số lượng lớn, trên hóa đơn xuất bán nhiều mặt hàng... doanh thu tăng đột biến so với kỳ trước nhưng không có kho hàng, tài sản cố định, kê khai không phát sinh hoặc phát sinh số thuế phải nộp rất thấp...”, bà Lan Anh phân tích.

Giải pháp ngăn chặn vi phạm trong sử dụng hóa đơn, bà Lan Anh cho biết, cơ quan thuế đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về hoá đơn điện tử, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về hoá đơn điện tử. Xác định người nộp thuế có yếu tố rủi ro gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra.

Mua bán trái phép hoá đơn làm thất thu ngân sách, méo mó môi trường kinh doanh. Ảnh minh họa.

Hình phạt nào cho hành vi mua bán hoá đơn?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính, sẽ thực hiện theo 4 hành vi vi phạm, trong đó mức xử phạt cao nhất là phạt tiền trực tiếp lên tới 50 triệu đồng, và gián tiếp là phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được hoàn cao hơn so với quy định, hoặc phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (mức phạt tăng dần theo tình tiết tăng nặng của vụ vi phạm). Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được; hoặc buộc nộp đủ số tiền nộp thiếu, tiền trốn thuế vào NSNN; buộc điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).

Về xử lý hình sự, theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017), hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về Tội trốn thuế.

Hành vi mua, bán trái phép hóa đơn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN”. Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp cấu thành Tội trốn thuế sẽ bị truy tố, xét xử về “Tội trốn thuế”. Nếu là cá nhân bị xét xử với 3 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 3 tháng đến 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 4 khung phạt chính là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 10 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm. Đối với hành vi mua, bán trái phép hóa đơn đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy tố, xét xử về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp NSNN”.

Nếu là cá nhân bị xét xử với 2 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 2 khung phạt chính là: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top