Vấn đề kỳ này

Kéo điện về bản khó

08:33 - Thứ Năm, 19/10/2023 Lượt xem: 37791 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều năm chờ đợi sống cảnh đèn dầu, bếp củi, tết Quý Mão năm 2023 vừa qua, người dân 3 bản vùng cao khó khăn nhất của xã Keo Lôm, huyện Ðiện Biên Ðông gồm: Huổi Múa B, Huổi Hoa A1, Huổi Hoa A2 có niềm vui đặc biệt khi được đón tết trong ánh sáng điện lưới quốc gia. Có điện, cuộc sống của bà con bừng sáng với việc đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ đời sống như: tivi, tủ lạnh, nồi cơm, bếp điện… Kéo điện về bản khó với mục tiêu xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh quyết tâm thực hiện.

Ðảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, các đơn vị điện lực trên địa bàn thường xuyên rà soát, kiểm tra đường dây. Trong ảnh: Nhân viên Ðiện lực Ðiện Biên Ðông kiểm tra đường dây tại xã Keo Lôm. Ảnh: Mai Phương

Với 92,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, Ðiện Biên đang là tỉnh có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thấp nhất cả nước. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có trên 98% số hộ dân trong toàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Ðây là mục tiêu không dễ thực hiện bởi không chỉ khó nguồn vốn đầu tư mà bởi địa bàn chưa có điện đều là bản vùng cao, địa hình chia cắt, dân cư sinh sống rải rác… Kéo điện về bản khó cần có những giải pháp, cách làm linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả sự nỗ lực, cố gắng của chính bà con các dân tộc.

Mỗi địa phương một cách làm, từ việc huy động nguồn vốn đầu tư cho tới tuyên truyền, vận động có mặt bằng đặt cột, kéo dây được cấp ủy, chính quyền các huyện, thị nỗ lực triển khai. Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, toàn tỉnh còn 7,5% số hộ (tương đương 10.481 hộ dân) ở 245 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Ðáng chú ý, trong số đó có 129 thôn, bản “trắng” điện lưới quốc gia, luôn chịu cảnh nóng mùa hè, tối mùa đông. Không có điện làm việc gì cũng khó. Vì vậy, kéo điện về bản khó được các cấp, ngành chức năng xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Việc trông chờ nguồn vốn dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia là không khả thi bởi vốn phân bổ rất ít và chậm. Ðể thực hiện mục tiêu xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia, các địa phương có nhiều cách làm huy động, lồng ghép nguồn vốn và sự tham gia cộng đồng trách nhiệm của nhân dân.

Ðiện Biên Ðông là một huyện có cách làm linh hoạt trong huy động nguồn lực kéo điện về bản vùng cao. Ðến đầu năm 2021 huyện Ðiện Biên Ðông còn hơn 2.600 hộ thuộc 39 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, là địa phương đứng cuối cùng của tỉnh về tỷ lệ bản có điện và số hộ dân được sử dụng điện. Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 02 về xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài 2 bản được bố trí vốn đầu tư dự án điện, huyện phải lo vốn kéo điện cho 37 bản còn lại. Huyện Ðiện Biên Ðông đã đưa 37 bản vào danh mục đầu tư công song có 25 bản được phê duyệt còn 12 bản bị cắt danh mục đầu tư điện do vốn cho các dự án điện thời điểm đó chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư giao cho huyện. Ðể có nguồn vốn kéo điện, huyện đã lồng ghép nguồn vốn xây dựng nông thôn mới kéo điện cho 5 bản còn 7 bản chưa có vốn tiếp tục tìm nguồn lực. Trong cái khó “ló” cái hay khi dự án làm chợ liên xã Xa Dung - Phì Nhừ, Phình Giàng - Pú Hồng khó mặt bằng, hiệu quả đầu tư thấp nên huyện linh hoạt đề nghị điều chuyển vốn làm chợ sang kéo điện về 3 bản: Háng Tầu, Huổi Hịa (xã Xa Dung) và Pú Hồng A (xã Pú Hồng). Các bản chưa có điện còn lại cùng với phát sinh nhóm hộ chưa được sử dụng điện sau chia tách, sáp nhập thôn bản, huyện Ðiện Biên Ðông rà soát, xây dựng dự toán bàn giải pháp huy động nguồn lực. Với dự toán đầu tư trên 52 tỷ đồng, sau khi bàn thảo, thống nhất, huyện xác định xã hội hóa nguồn vốn và đề nghị tỉnh kết nối, hỗ trợ. Bằng sự kết nối của tỉnh, TP. Hồ Chí Minh đã nhận lời hỗ trợ kinh phí kéo điện về các bản còn lại của Ðiện Biên Ðông. Vậy là mục tiêu kéo điện về 100% bản của huyện Ðiện Biên Ðông có khả năng hoàn thành trước 1 năm so với Nghị quyết 02.

Ngoài Ðiện Biên Ðông, các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa… vẫn còn rất nhiều hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới của huyện Nậm Pồ là 88%, huyện Tủa Chùa là 91%, huyện Mường Nhé còn 855 hộ vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện. Kéo điện về các bản khó khăn vẫn đang là bài toán khó với các huyện khi nguồn lực đầu tư hạn chế, dân cư sinh sống không tập trung nên chi phí đầu tư lớn.

Phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” cần được vận dụng khi thực hiện các dự án kéo điện về vùng cao hiện nay. Không dễ để có mặt bằng sạch thi công dự án kéo điện về bản khi việc đặt cột, kéo dây qua diện tích canh tác của bà con. Ðể vận động người dân hiến đất, nhường nương thi công dự án điện, huyện Ðiện Biên Ðông đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên kiên trì bám bản, vận động, thuyết phục bà con. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia chiến dịch dân vận với những cuộc họp xuyên đêm đàm phán gỡ nút thắt mặt bằng dự án điện.

“Khó trăm lần dân liệu cũng xong” khi tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng thuận của người dân vì mục tiêu đưa điện về bản khó, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Mỗi dự án đóng điện thành công là điều kiện để bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ðể mọi người dân được sử dụng điện lưới quốc gia vẫn rất cần sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cùng cách làm linh hoạt, phù hợp của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top