Cuộc sống qua ảnh

Sắc chàm Che Căn

16:50 - Thứ Sáu, 08/09/2023 Lượt xem: 7488 In bài viết

ĐBP - Bản Che Căn thuộc xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ là bản Thái cổ, nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng, nghề thủ công độc đáo, trong đó có nhuộm vải chàm. Vải chàm Che Căn được nhuộm bằng chế phẩm tự nhiên với màu đen đặc trưng. Qua đôi bàn tay khéo léo của những phụ nữ Thái, tấm vải chàm được may thêu trở thành những chiếc áo, đai lưng, khăn piêu tạo nên sự duyên dáng, quyến rũ, đặc trưng của những thiếu nữ dân tộc Thái Che Căn.

Để có một tấm vải chàm đều màu, bền đẹp, ít phai màu theo thời gian là cả một quá trình thủ công đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kỳ công của người phụ nữ.

Cứ độ tháng 7 tháng 8 trong năm, khi cây chàm mọc thành từng bụi bên khe suối, các bà, các mẹ sẽ đi dọc các con suối thu hái lá chàm rửa sạch, ngâm 3 - 4 ngày rồi chắt lấy nước. Nước chàm sẽ pha với nước gio bếp (nước chảy qua sọt đựng gio bếp) với tỷ lệ nhất định (2 nước chàm 1 nước gio), chứa trong chum. Sau khi đã pha nước nhuộm, từng miếng vải trắng được bỏ vào chum rồi rũ đều. Tấm vải vớt ra, vắt kiệt rồi đập cho màu thấm sâu vào từng sợi vải. Đây là công đoạn đầu tiên, miếng vải không cần giặt mà đem phơi ngay. Từ ngày thứ 2, vải sau khi nhuộm, đập sẽ được giặt rồi đem phơi. Quá trình này diễn ra trong 7 ngày, khi vải đã lên màu đẹp, giặt không phai là hoàn thành.

Có thể thấy để nhuộm vải chàm phải trải qua rất nhiều công đoạn, mất gần hai tuần mới hoàn thành. Mỗi năm người phụ nữ sẽ chỉ nhuộm vải hai tháng, sau khi nhuộm vải tháng 9 tháng 10 là khoảng thời gian nông nhàn, những phụ nữ trong gia đình ở nhiều thế hệ sẽ quây quần bên bếp lửa, dưới hiên nhà, họ vừa trò chuyện vừa may thêu.

Từng tấm vải chàm sẽ được cắt may, thêu hoa văn, họa tiết thành các sản phẩm quen thuộc không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần như khăn piêu, thắt lưng, áo… Dưới sự khéo léo, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ, những hoa văn, họa tiết sặc sỡ, bắt mắt trên nền vải chàm tối màu càng thêm nổi bật, khắc họa rõ nét truyền thống văn hóa lâu đời, đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái Che Căn.

Che Căn, xã Mường Phăng là bản văn hóa Thái cổ, với những nếp nhà sàn, nét văn hóa truyền thống được gìn giữ bảo lưu qua từng thế hệ.
Nghề truyền thống cũng được bảo tồn ở Che Căn, trong đó có nhuộm vải chàm, loại vải được nhuộm bằng chế phẩm tự nhiên với màu đen đặc trưng.
Trước kia, biết nhuộm vải, tự thêu, may những trang phục, vật dụng trong nhà là một trong những tiêu chuẩn chính để phụ nữ Thái lập gia đình.
Thông thường một năm người phụ nữ chỉ nhuộm vải một lần, cứ độ tháng 7 tháng 8, khi cây chàm mọc thành từng bụi bên khe suối, chị em trong bản đi thu hái để tạo nước chàm nhuộm vải.
Để tạo màu nhuộm vải, đầu tiên lá chàm sẽ được rửa sạch, ngâm 3 - 4 ngày rồi bỏ bã chắt lấy nước…
…Sau đó được pha cùng nước gio (nước chảy qua sọt đựng gio bếp) với tỉ lệ 2 nước chàm, 1 nước gio và được trữ vào chum lớn để dùng dần.
Từng miếng vải trắng được bỏ vào chum nước nhuộm, rũ đều.
Để từng sợi vải thấm đều màu, không bị loang lổ, các chị em tiến hành nhúng vải, vắt nước rồi dùng chày hoặc khúc gỗ để đập.
Hoàn thành một mẻ nhuộm vải tốn rất nhiều thời gian, ngày đầu tiên miếng vải nhuộm được phơi khô, từ ngày thứ 2, vải sau khi nhuộm, đập sẽ được giặt rồi đem phơi, quá trình này diễn ra trong 7 ngày, vải đều màu, giặt không phai là hoàn thành.
Sau khi tạo ra những tấm vải chàm đặc trưng, tháng 9, tháng 10 là khoảng thời gian nông nhàn, bên bếp lửa, dưới hiên nhà, những phụ nữ sẽ quây quần, may thêu trên tấm vải chàm.
Những hoa văn sặc sỡ, bắt mắt được thêu trên nền vải chàm tối màu như khắc họa sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ và truyền thống của phụ nữ Thái nơi đây.

 

Trần Nhâm
Bình luận
Back To Top