ĐBP - Với quan điểm dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội đã quan tâm, thực hiện những việc làm thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để trẻ em phát triển toàn diện.
Huyện Tủa Chùa hiện có 947 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 11.034 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 14.176 trẻ sống trong hộ nghèo, cận nghèo. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được huyện triển khai hiệu quả. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện đã trích kinh phí mua 232 suất quà, trị giá 56,1 triệu đồng tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật, mồ côi; tặng 2 suất quà cho Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, trị giá 5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tủa Chùa cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em như: Tổ chức các diễn đàn trẻ em, các buổi giao lưu, tuyên truyền, tư vấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí nhằm thu hút, phát huy quyền tham gia trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa; đẩy mạnh phong trào xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em để thu hút nguồn lực xã hội thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tại các địa phương khác, nhiều hoạt động vì trẻ em cũng được triển khai như phối hợp phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024, tặng quà cho trẻ em khó khăn nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, vận động kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp trẻ em nghèo…
Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tỉnh Điện Biên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng để tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hàng năm, chính quyền các cấp đều dành ngân sách cho công tác này, đồng thời ban hành Thư kêu gọi ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em gửi đến các cơ quan, đoàn thể, các cấp, ngành để cùng chung tay chăm lo cho trẻ em trên địa bàn. Tháng hành động vì trẻ em hàng năm được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trong năm 2023, kinh phí tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em đảm bảo với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 821 triệu đồng, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ gần 2,2 tỷ đồng.
Cùng với các hoạt động được tổ chức từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, các huyện, thị, thành phố, các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tích cực chung tay chăm lo cho trẻ em. Những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi… đều được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên theo quy định, được trợ giúp cả về vật chất và tinh thần, thông qua nhiều kênh, nhiều tổ chức, được đảm bảo các quyền học tập, tham gia hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh.
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, các hoạt động chăm lo cho trẻ em càng được quan tâm, đẩy mạnh bằng nhiều hành động thiết thực nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, nơi quản lý, chăm sóc hơn 60 trẻ em có mảnh đời bất hạnh, cùng với sự hỗ trợ thường xuyên theo quy định, những ngày vừa qua các em đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm. Không chỉ có những phần quà, sự ủng hộ về vật chất, các món quà tinh thần ấm áp cũng được trao tặng tới các em nhỏ.
Bà Trần Thị Tươi, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chia sẻ: Những phần quà thiết thực, chương trình thiếu nhi ý nghĩa là nguồn động viên tinh thần, tạo không khí đầm ấm, khích lệ các cháu cố gắng vượt qua hoàn cảnh, vươn lên học tập, rèn luyện tốt để hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Từ những chính sách và chương trình hành động vì trẻ em được triển khai, các vấn đề liên quan đến trẻ em đã được giải quyết; an sinh xã hội dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được đảm bảo; quyền trẻ em nói chung, quyền tham gia của trẻ em nói riêng được các cấp, ngành thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Mạng lưới bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội đã hình thành và ngày càng phát triển. Môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có sự chung tay góp sức không hề nhỏ của cộng đồng, xã hội.