Những “con đường nhân ái”

11:10 - Chủ Nhật, 03/01/2021 Lượt xem: 6141 In bài viết

ĐBP - Niềm vui đón mùa xuân mới với gần 200 hộ dân bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) năm nay được nhân lên gấp bội. Bởi sau bao nhiêu năm mong mỏi về những con đường nội bản được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp nay đã trở thành hiện thực với tên gọi “con đường nhân ái”. Những con đường này được làm nên bởi nhiều yếu tố, nhưng chất xúc tác quan trọng nhất là sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng của chính những người dân nơi đây…

Ông Lò Văn Quân, bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) đi xe máy trên “con đường nhân ái” số 4.

Kêu gọi sức mạnh toàn dân

Trong cái hanh hao của tiết trời cuối năm, chúng tôi về bản Ta Cơn để nghe câu chuyện làm đường bê tông mà người dân nơi đây quen gọi là những “con đường nhân ái”. Từ khi bắt đầu làm đến nay, đã có 5 “con đường nhân ái” với chiều dài hơn 2km được xây dựng và hoàn thành, phục vụ cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của 196 hộ dân bản Ta Cơn. Ðiều khiến chúng tôi bất ngờ là những con đường rộng rãi, sạch đẹp này lại không hề dùng đến nguồn ngân sách Nhà nước mà được làm toàn bộ bằng sức dân. Tò mò về ý nghĩa đó, chúng tôi quyết định tìm gặp “cha đẻ” của chúng - anh Nguyễn Khang Dũng, Bí thư Chi bộ bản Ta Cơn. Nhắc đến anh Nguyễn Khang Dũng, người dân bản Ta Cơn nói riêng, người dân xã Chiềng Sinh nói chung không ai là không biết tới. Bởi ngoài là Bí thư Chi bộ năng nổ với công việc, anh còn là người có tâm với rất nhiều hoạt động thiện nguyện trong bản, ngoài xã. Và cũng chính từ đó những “con đường nhân ái” mới được ra đời nhờ anh kêu gọi, kết nối từ những tấm lòng hảo tâm. Anh Dũng tâm sự: “Con đường đi lại trước đây ở bản Ta Cơn là đường đất, quanh co, đi bộ còn khó chứ chưa nghĩ đến việc đi bằng xe máy. Gọi là đường nhưng các lối đi này hầu như là do người dân đi lại nhiều mà thành, diện tích mặt nền đều nhỏ dưới 1 mét. Hơn nữa, vì là đường đất nên mùa mưa thì trơn trượt. Có nhiều hộ dân ở sâu phía trong còn gần như bị cô lập không thể đi lại được vào mùa mưa. Muốn mua xe máy làm phương tiện đi lại cũng chẳng được. Bà con đi lại bình thường đã vất vả, lại còn trẻ em đi học, lúc chẳng may xảy ra đau ốm thì còn gian nan đến chừng nào… Tận mắt chứng kiến những khó khăn đó, tôi mới trăn trở về việc làm những con đường để giúp đỡ người dân”.

Nghĩ là làm, anh bắt tay ngay vào việc khảo sát các tuyến đường, lấy ý kiến và vận động bà con trong bản cùng đoàn kết chung tay xây dựng con đường. Sau đó, anh triển khai thiết kế và xây dựng dự toán làm cơ sở để huy động vốn. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng, những con đường từ trong suy nghĩ của anh rất nhanh chóng hình thành bản thiết kế. Tiếp đến, việc quan trọng không kém là huy động nguồn lực để biến dự án của mình từ bản vẽ thành hiện thực.

Anh Dũng tâm sự: Ðể có kinh phí làm đường tôi sử dụng tính năng mở của mạng xã hội để chia sẻ ý tưởng của mình. Ðiều đáng mừng là rất nhanh chóng ý tưởng của tôi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Từ con đường nhân ái số 1 đến con đường số 5, tôi và người dân bản Ta Cơn đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người có tấm lòng thiện nguyện. Bên cạnh việc nhận được sự đóng góp ủng hộ từ các nhà hảo tâm, tôi còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân nơi con đường đi qua. Ðiều đó thể hiện qua việc người dân sẵn sàng hiến đất để mở rộng mặt nền theo thiết kế, bỏ ngày công cùng giải phóng mặt bằng. Rồi đến khi đổ bê tông, hàng trăm người dân cùng chung tay vào cuộc, người thì chở nguyên vật liệu, người kè đá, người xúc đất, người lo nấu nước phục vụ bà con uống… Ai nấy đều trách nhiệm.

Làm nên những “con đường nhân ái”

Vừa dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông mới, anh Dũng vừa kể cho nghe quá trình anh và bà con Ta Cơn làm nên “con đường nhân ái” số 4. Ðây là con đường để lại nhiều ấn tượng nhất với anh. Ấn tượng không chỉ là tuyến đường dài nhất, phục vụ cho nhiều người dân nhất mà đây cũng là tuyến đường khó khăn nhất nên nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. Theo lời anh Dũng, tuyến đường này chạy qua khu Huổi Ta Cơn với khoảng 35 hộ dân sinh sống. Không chỉ vậy, đây còn là tuyến đường lên khu vực sản xuất của cả bản Ta Cơn. Thế nhưng như bao con đường nội bản khác, tuyến đường này vừa nhỏ vừa khó đi, lại nằm bám theo triền khe nên mùa mưa trơn trượt, đi bộ còn khó nói gì đi xe máy. Trước khó khăn của bà con, anh mới đi khảo sát và quyết định kêu gọi làm tuyến đường này.

Qua khảo sát thực tế, một mặt anh thống nhất với bản về thời gian, địa điểm, khối lượng công việc, để huy động sức lao động từ bà con, chính quyền địa phương tham gia phát quang, mở rộng, san lấp mặt đường. Mặt khác, anh kêu gọi kinh phí từ nhiều nguồn được khoảng 80 triệu đồng dùng để mua vật liệu. Với địa hình thi công khá phức tạp, công việc phải dựa vào sức người là chính nhưng bà con chẳng quản nắng mưa cùng nhau xây dựng con đường mới… Ai nấy đều nhiệt tình tham gia làm đường với không khí tất bật, khẩn trương. Kết quả là sau 2 tháng thi công, “con đường nhân ái” số 4 đã được cải tạo lại với tổng chiều dài trên 300m, mặt đường từ dưới 1m trước giờ được mở rộng ra 2,3m với lớp bê tông dày 15cm. Nếu quy ra tiền mặt, công người dân tham gia vào khoảng 200 triệu đồng - mức kinh phí rất thấp so với những công trình đường bê tông nông thôn cùng thiết kế khác. 

Từ khi “con đường nhân ái” số 4 hoàn công và đưa vào sử dụng, gia đình ông Lò Văn Quân, bản Ta Cơn như được “đổi đời”. Nói như vậy cũng không quá bởi đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của gia đình ông bây giờ khác xưa nhiều lắm. Ông Quân chia sẻ: “Nhà tôi nằm gần cuối khe Huổi Ta Cơn, đường đi không có, làm ăn khó khăn nên tôi cố gắng dành dụm, chắt bóp từng đồng với mong muốn mua được mảnh đất xuống gần trục đường chính hơn. Nhưng từ khi có con đường mới, tôi quyết định không chuyển nhà nữa. Vì giờ đi lại thuận tiện rồi, nông sản làm ra có người lên tận nơi thu mua. Số tiền dành dụm được tôi bỏ ra đổ bê tông luôn cả ngõ cho sạch sẽ, sửa chữa lại nhà cửa khang trang, mua xe máy để đi lại. Tôi mua hẳn xe tay ga vì đường giờ đẹp rồi, đi xe này cũng chẳng sợ hỏng!” Niềm vui của gia đình ông Lò Văn Quân cũng là cũng là niềm vui của Bí thư Chi bộ Nguyễn Khang Dũng và của người dân cả bản Ta Cơn.

5 “con đường nhân ái” đã được hoàn thành và đang phát huy gần như tối đa công năng của chúng. Nhưng bản Ta Cơn vẫn còn đó nhiều tuyến đường chưa phẳng. Ðó sẽ là nhiệm vụ mà Bí thư Chi bộ Nguyễn Khang Dũng cùng những người dân bản Ta Cơn tiếp tục nỗ lực thực hiện trong thời gian tới. Tin tưởng rằng, từ những việc đã làm được, những “con đường nhân ái” ở bản Ta Cơn sẽ lan tỏa những năng lượng tích cực tới không chỉ người dân trong xã Chiềng Sinh, trong huyện Tuần Giáo mà còn tới bất cứ nơi đâu giao thông còn gặp nhiều khó khăn.

Bài, ảnh: AN CHI
Bình luận
Back To Top