An toàn lao động tại nhiều công trình xây dựng chưa được quan tâm

06:57 - Thứ Bảy, 09/04/2022 Lượt xem: 5055 In bài viết

ĐBP - Không tuân thủ các quy trình về đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), không huấn luyện công tác an toàn vệ sinh lao động, không lập biện pháp thi công, không cử người giám sát ATLĐ... là những nguyên nhân dễ xảy ra các vụ tai nạn lao động trên các công trình xây dựng. Trong khi đó việc kiểm tra ATLĐ của các cơ quan chức năng chủ yếu tập trung ở khu vực có quan hệ lao động; còn đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh mới chủ yếu dừng lại ở việc xem xét giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế.

Công nhân Tập đoàn Phúc Hưng được trang bị bảo hộ lao động thi công công trình Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Điện Biên.

Những năm qua, công tác ATLĐ trong lĩnh vực xây dựng đã được các cấp, ngành, tuyên truyền đến người sử dụng lao động, người lao động. Cùng với đó, hoạt động tư vấn, tập huấn, huấn luyện, hướng dẫn kỹ năng làm việc an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng được các doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện. Tuy nhiên bên cạnh một số đơn vị xây dựng đã quan tâm, đảm bảo an toàn cho người lao động, thì vẫn còn những đơn vị, người sử dụng lao động chưa thực hiện tốt. Không khó để nhận thấy tại một số công trình xây dựng vẫn còn tình trạng người lao động không được trang bị thiết bị an toàn hay bảo hộ khi làm việc. Đơn cử qua kiểm tra của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (tháng 9/2021) đối với công trình: Sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc các cơ quan thuộc UBND huyện Tủa Chùa (Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và trụ sở cũ Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình huyện Tủa Chùa) do Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Minh Khôi tỉnh Điện Biên thi công, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm về ATLĐ. Cụ thể, công ty chưa thực hiện việc đánh giá rủi ro tại nơi làm việc; chưa xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị và tại nơi làm việc; chưa tổ chức tự kiểm tra, đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động tại công trình. Bên cạnh đó, công ty chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; thiếu tổ chức quan trắc môi trường lao động; không lập sơ đồ mạng điện của công trường; lắp đặt hệ thống điện động lực và chiếu sáng; chưa lập hồ sơ thiết kế biện pháp lắp dựng cốp pha để đỡ các kết cấu bê tông…

Cũng trong tháng 9/2021, kiểm tra công tình xây dựng nâng cấp đường bản Ten Cá, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) do Công ty TNHH Thái Anh Điện Biên, đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động. Các công nhân chưa được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Chưa có hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường đi lại và khu vực thi công về ban đêm để phục vụ cho công tác thi công ban đêm nếu cần tăng ca. Chưa lập sơ đồ các tuyến đường vận tải cho phương tiện vận tải cơ giới, thủ công; ngoài biển giới hạn tốc độ, chưa lắp đặt hệ thống biển báo giao thông trên các tuyến đường trên công trường; các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở những vùng nguy hiểm do vật có thể rơi từ trên cao xuống chưa được thực hiện đảm bảo…

Tại những công trình nhà ở riêng lẻ thì công tác bảo đảm ATLĐ càng ít được quan tâm hơn. Xét theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 18:2021/BXD) kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng thì hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay không đảm bảo về an toàn vệ sinh lao động. Thợ xây ở các công trình này không có quần áo, mũ bảo hộ lao động, phương tiện bảo hộ... Tại một số công trình làm việc trên cao, không có các phương tiện, thiết bị chuyên dụng để đảm bảo an toàn cho người lao động, hoặc không có hệ giàn giáo phù hợp với đặc điểm công trình và lưới đỡ bên dưới với khoảng cách phù hợp. Không có rào chắn hoặc biện pháp che chắn chắc chắn để ngăn ngừa xâm nhập; không có các phương tiện cảnh báo, chỉ dẫn cụ thể; không có người làm nhiệm vụ bảo vệ, cảnh báo và kiểm soát ra, vào. Nhiều người làm việc ngoài trời không đeo dây an toàn với dây cứu sinh gắn vào bậc thang hoặc các vòng neo, điểm neo chắc chắn trên công trình cao…

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2021 toàn tỉnh chỉ có 58 doanh nghiệp báo cáo về công tác an toàn vệ sinh lao động; trong đó xảy ra 4 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết. Qua kiểm tra, trong tổng số 58 doanh nghiệp này chỉ có 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh tiến hành đánh giá định kỳ nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động. Tổng số người được huấn luyện ATLĐ thuộc nhóm 1 (người quản lý phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động) có 157 người; nhóm 2 (người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động) là 70 người; nhóm 3 (người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ) hơn 800 lao động… Bên cạnh đó, có 81/251 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động chưa được các chủ doanh nghiệp khai báo…

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua công tác thanh tra, kiểm tra về ATLĐ mới chỉ chủ yếu tập trung vào khu vực có quan hệ lao động. Năm 2021, qua kiểm tra tại 10 công trình xây dựng (sử dụng vốn ngân sách Nhà nước) thì cả 10 công trình đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều nguy cơ, yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn lao động. Đa số những công trình này đều có những vi phạm chung như: Chưa cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động sử dụng lao động và người lao động; chưa cử cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Một số công trình chưa thực hiện kiểm định thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ đối với thiết bị cẩu tự hành, tời điện, máy khí nén. Trong quá trình thi công không có biện pháp an toàn, biện pháp thoát nước khi thi công đào đất hố móng, đường hào; lập và thực hiện biện pháp an toàn khi làm việc dưới hố móng; lập và thực hiện các biện pháp an toàn khi đào đất thủ công và đào đất bằng máy. Tại một số công trình chưa có thiết kế, thi công, lắp dựng, nghiệm thu, bảo dưỡng và kiểm tra giàn giáo, giá đỡ…

Để hạn chế tai nạn lao động, điều quan trọng là người lao động và người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm đúng đắn về công tác ATLĐ. Người lao động cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủ ro gây tai nạn. Bản thân người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATLĐ để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top