Nhiều xe khách chưa lắp đặt camera giám sát

06:10 - Thứ Tư, 11/05/2022 Lượt xem: 4580 In bài viết

ĐBP - Để kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải và an toàn giao thông, hạn chế các hành vi gây mất an toàn giao thông, giảm nguy cơ tai nạn, từ ngày 1/1/2022, các xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo nếu không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt nặng. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thực hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều xe chưa lắp camera và việc xử lý các xe vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định xe khách phải lắp camera giám sát mới được xuất bến.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định, đến hết năm 2021 xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Theo ông Bùi Vĩnh Phú, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông vận tải), để đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải lắp đặt camera lên phương tiện, Sở chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải kiểm tra, rà soát, hoàn thiện các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát, khẩn trương hoàn thiện việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải theo đúng quy định để phục vụ công tác quản lý vận tải. Sở Giao thông vận tải đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện công tác lắp đặt camera. Qua kiểm tra, các đơn vị kinh doanh vận tải đã xây dựng kế hoạch, ký kết hợp đồng với các nhà thầu cung cấp và lắp đặt camera lên phương tiện theo đúng lộ trình. Đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không lắp đặt camera kể từ ngày 1/1/2022.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều phương tiện thuộc diện phải lắp đặt camera nhưng chưa lắp đặt. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, trong tổng số 35 đơn vị vận tải, với tổng số 351 phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định (xe khách tuyến cố định 271 xe, xe khách hợp đồng từ 9 chỗ ngồi trở lên 43 xe, xe buýt 3 xe và xe đầu kéo 34 xe), đến nay, toàn tỉnh mới có 247/351 xe đã lắp camera theo quy định; còn 104 xe chưa lắp đặt camera, trong đó, xe khách tuyến cố định với 88 xe, xe hợp đồng từ 9 chỗ ngồi trở lên 9 xe, xe buýt 3 xe và xe đầu kéo 4 xe.

Một trong những nguyên nhân nhiều xe chưa lắp đặt camera giám sát, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tuyến vận tải khách liên tỉnh thường xuyên ngừng hoạt động trong thời gian dài; các tuyến nội tỉnh hoạt động cầm chừng khiến cho doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, các khoản vay hỗ trợ giải quyết khó khăn chưa được triển khai kịp thời nên việc bố trí kinh phí để lắp đặt camera trên phương tiện vận tải của các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát, các đơn vị kinh doanh vận tải đều cho rằng, thời gian vừa qua, hoạt động vận tải bị ngưng trệ bởi dịch Covid-19 nên doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tuy hoạt động vận tải đã trở lại bình thường nhưng lượng người dân đi lại ít. Ngoài ra, giá camera đạt tiêu chuẩn cũng đắt (trên dưới 10 triệu đồng/bộ) nên việc quy định lắp thêm thiết bị camera hành trình càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn, đó là chưa kể việc phải trả chi phí cho thuê bao đường truyền hàng tháng. Gần đây giá xăng, dầu tăng cao lại càng tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Theo quy định, từ ngày 1/1/2022, các phương tiện bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa nếu không lắp camera theo quy định; phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 đến 3 tháng đối với phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra đơn vị chưa xử lý trường hợp nào vi phạm quy định về lắp đặt camera. Khó khăn hiện nay là lực lượng thanh tra là đơn vị có thẩm quyền xử phạt nhưng lại không có tài khoản để truy cập việc giám sát vi phạm thông qua camera giám sát. Hiện lực lượng thanh tra chỉ chủ yếu kiểm tra các xe trước khi xuất bến (đối với xe khách), còn việc kiểm tra sử dụng trong quá trình hoạt động trên đường rất khó.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top