Vấn đề tuần này

Hiệu quả học nghề

05:49 - Thứ Năm, 19/05/2022 Lượt xem: 3747 In bài viết

ĐBP - Hơn hai năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề lao đao, không ít lao động thất nghiệp, không có thu nhập. Xắn tay lo cho người lao động, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực để người lao động có việc làm, có thu nhập.

Đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoại tỉnh là một trong những giải pháp giải quyết việc làm cho lao động địa phương được các huyện thực hiện. Lãnh đạo huyện Mường Nhé trực tiếp đi khảo sát tại các công ty, khu công nghiệp ở một số tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang... để tìm hiểu nhu cầu lao động; ký kết với doanh nghiệp lên địa phương tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc. Để người lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, huyện Mường Nhé ký kết với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp đào tạo nghề và tuyển dụng lao động sau đào tạo.  Bằng cách làm đó, nhiều lao động tại địa phương đã có việc làm, thu nhập cao hơn so với làm nông lâm nghiệp.

Lao động muốn có việc làm, thu nhập phải có kiến thức, tay nghề đáp ứng yêu cầu của các công ty, doanh nghiệp. Vì vậy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện. Các trường dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn và cả lưu động ngay tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động học nghề được triển khai tạo thuận lợi cho lao động nông thôn khi tham gia học nghề. Đáp ứng nhu cầu của không ít lao động địa phương, bà con dân tộc thiểu số ngại ra ngoài tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp mở lớp hướng dẫn trồng nấm, chăn nuôi ngay tại địa phương. Người dân tham gia các lớp học nghề ngắn hạn như vậy có thêm kiến thức áp dụng ngay vào thực tế sản xuất, chăn nuôi của gia đình. Với thanh niên, các lớp dạy nghề xây dựng, sửa chữa xe máy, vận hành máy móc... được mở ra, hướng dẫn, rèn nghề cho người lao động.

Các trường dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, xây dựng các mô hình cụ thể để tuyển sinh, thu hút người lao động tham gia học nghề. Năm 2021, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 8.000 người, trong đó 70% lao động học nghề nông nghiệp, còn lại học nghề phi nông nghiệp. Sau đào tạo nghề, người lao động áp dụng vào thực tế, tạo việc làm, thu nhập cho bản thân. Thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, gần 80% lao động nông thôn của tỉnh có việc làm sau đào tạo. Đây là cơ sở để người dân tích cực tham gia học nghề, làm nghề.

Đầu tư cho đào tạo nghề, tỉnh còn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài và các nguồn lực huy động xã hội hóa nhằm giúp người lao động có kiến thức, tay nghề tạo việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một trong những giải pháp hiệu quả thu hút lao động học nghề đó là việc các trường dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo. Khi người lao động hoàn thành chương trình đào tạo được doanh nghiệp tuyển chọn, sử dụng giúp người lao động có việc làm sau học nghề. Việc nhà trường đồng hành cùng doanh nghiệp trong đào tạo nghề góp phần cung ứng cho thị trường lực lượng lao động phù hợp cơ cấu ngành nghề, chất lượng lao động. Đặc biệt, thông qua các lớp đào tạo nghề đã giúp thay đổi nhận thức của người lao động tham gia học nghề. Trước đây, không ít lao động đăng ký học nghề chỉ nhằm để nhận hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí thì nay người lao động đã nhận thức rõ hơn vai trò của học nghề. Tham gia học nghề giúp họ thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn cũ để áp dụng kiến thức học được vào cuộc sống, vươn lên xóa đói nghèo. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, phát triển kinh tế của lao động nông thôn xuất hiện nhờ người lao động được đào tạo, học nghề.

Đào tạo nghề gắn với sinh kế của lao động nông thôn, đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu, đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Với 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có của tỉnh, gồm 3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện là những địa chỉ đào tạo nghề cho lao động nông thôn toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tham gia giải quyết việc làm cho bình quân 9.000 lao động mỗi năm.

Năm 2022, tỉnh ta đặt mục tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.150 người theo các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo việc làm cho người lao động trong thời gian dưới 3 tháng. Thực hiện mục tiêu này, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, tạo chuyển biến về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp.

Có học có hơn, lao động sau học nghề có kiến thức áp dụng vào thực tiễn hoặc đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, có thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân, gia đình. Đó là hiệu quả cao nhất của học nghề.

Gia Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top