Nâng cao kiến thức, tay nghề cho lao động

05:55 - Thứ Năm, 19/05/2022 Lượt xem: 5078 In bài viết

ĐBP - Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của chính quyền các cấp, các ngành, thời gian gần đây Điện Biên đã hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động...

Lao động nông thôn huyện Nậm Pồ học nghề kỹ thuật xây dựng.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở có hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh hiện nay có 14 đơn vị; gồm 3 trường cao đẳng, 9 trung tâm GDNN - GDTX và 2 đơn vị khác; quy mô tuyển sinh đáp ứng khoảng 8.500 - 9.000 người/năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số lao động nông thôn được học nghề là 26.487 người; trong đó, 18.502 lao động học nghề nông nghiệp, chiếm 69,85%; 7.985 lao động học nghề phi nông nghiệp, chiếm 30,15%. Số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 21.145 người, đạt 79,83%. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,5%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 28,77%.

Năm 2021, do tác động bởi đại dịch Covid-19, một số hoạt động GDNN buộc phải tạm dừng, một số cơ sở GDNN huy động làm khu cách ly tập trung nên tạm dừng hoạt động dạy - học. Tuy nhiên với tinh thần sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và bằng các giải pháp thiết thực, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn hoàn thành nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2021, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo 8.185 người, đạt 101,05% kế hoạch UBND tỉnh giao (8.100 người), tăng 1,61% so với kết quả thực hiện năm 2020. Hoạt động liên kết, phối hợp để doanh nghiệp ngoài tỉnh tổ chức đào tạo, tạo việc làm cho lao động trong tỉnh đạt kết quả, hiệu quả cao hơn những năm trước. Xây dựng kế hoạch và mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tổ chức theo nhu cầu đăng ký học nghề của người dân thông qua việc khảo sát. Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin được các trường cao đẳng và một số Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện áp dụng hiệu quả vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả, khai giảng, bế giảng năm học bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, và trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng xã hội như: Zoom, google meet, facebook, zalo... Chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy do toàn bộ các chương trình đào tạo và giáo trình đều do các trung tâm lựa chọn, biên tập, chỉnh sửa hoàn thiện trên cơ sở sử dụng các bộ chương trình, giáo trình đào tạo của Tổng cục GDNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn và khuyến nghị áp dụng. Quá trình triển khai đào tạo nghề, mô hình dạy nghề nông nghiệp đạt hiệu quả, có khả năng nhân rộng tại một số huyện.

Năm qua, tại huyện biên giới Nậm Pồ, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kéo dài, nên các hoạt động của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nậm Pồ gần như bị dừng lại. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác đào tạo nghề. Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nậm Pồ cho biết: Trong năm 2021, dù còn nhiều khó khăn nhưng Trung tâm đã đào tạo cho 394 học viên, đạt 125% kế hoạch tỉnh giao; đạt 75% kế hoạch huyện giao. Chủ yếu đào tạo ngành nghề: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, dê; kỹ thuật xây dựng... Hình thức và nội dung đào tạo phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức của người lao động trên địa bàn. Đại đa số lao động sau đào tạo biết áp dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho gia đình, địa phương.

Dẫu vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp những khó khăn nhất định. Trước tiên là người lao động nông thôn chủ yếu tập trung ở vùng sâu vùng xa, nơi khó khăn về điều kiện địa lý, tự nhiên, khí hậu, việc áp dụng kiến thức, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ ít nên nhu cầu sử dụng lao động thấp, khó có điều kiện để chuyển đổi sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sau học nghề. Nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác dạy nghề và giải quyết việc làm còn hạn chế; đội ngũ giáo viên cơ hữu dạy nghề cho lao động nông thôn còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm; thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao để đào tạo công nhân có tay nghề cao. Một số chương trình, giáo trình dạy nghề chưa được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Cơ sở đào tạo nghề chưa được đầu tư tập trung, đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập, phần lớn các cơ sở dạy nghề chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, xưởng thực hành theo quy định; trang thiết bị thiếu về chủng loại, lạc hậu về công nghệ; giáo viên chuyên môn nghề tại các trung tâm dạy nghề còn thiếu, đa số là giáo viên hợp đồng giảng dạy. Một số xã trên địa bàn chưa thật sự quan tâm về lĩnh vực đào tạo nghề, chưa chủ động trong công tác tuyên truyền vận động, tư vấn cho lao động nông thôn đăng ký học nghề, tỷ lệ đăng ký thấp. Một số xã được huyện giao chỉ tiêu nhưng không vận động được nhân dân tham gia học nghề. Một số lao động nông thôn chưa nhận thức được chính sách đào tạo nghề, tự vươn lên thoát nghèo. Không chỉ vậy, với xu hướng chuyển dịch lao động về các khu công nghiệp ngoài tỉnh lớn như hiện nay thì các trung tâm GDNN - GDTX tại các địa phương sẽ rất khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là tại các huyện vùng cao, biên giới.

Phát triển GDNN nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới. Với định hướng “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo - Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn - Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động” thì trong thời gian tới, công tác GDNN còn cần nhiều những giải pháp cụ thể, hiệu quả mang tính đột phá.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top