Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

05:57 - Thứ Hai, 23/05/2022 Lượt xem: 4335 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể huyện Điện Biên quan tâm thực hiện. Trong đó, chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo địa phương.

Người dân bản Lói 1, xã Mường Lói (huyện Điện Biên) áp dụng kiến thức trồng nấm sau khi được đào tạo.

Để nâng cao công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã. Đối với các lớp đào tạo tại thôn, bản, thường xuyên kiểm tra việc giảng dạy của giáo viên, chương trình, giáo án, lịch phân công nhiệm vụ giảng dạy, số lượng học viên tham gia, thời gian tham gia khóa học, dụng cụ vật tư phục vụ cho công tác đào tạo nghề, kết quả sản phẩm của lớp đào tạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện chi trả chế độ chính sách đối với học viên. Qua công tác kiểm tra các lớp tại thôn, bản giáo viên đã lên lớp theo đúng kế hoạch chương trình, học viên tích cực tham gia đầy đủ số buổi, giờ học theo quy định, tích cực học tập thực hiện tốt quy chế của lớp học. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức kiểm tra giám sát chặt chẽ trên 20 lượt tại 5 lớp đào tạo nghề trên địa bàn huyện. UBND các xã cũng tích cực kiểm tra các lớp được mở tại địa phương (mỗi lớp xã tiến hành giám sát ít nhất 2 lượt).

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Điện Biên đã đạt được kết quả tích cực. Từ năm 2021 đến nay, huyện Điện Biên đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề; Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức đào tạo nghề trên địa bàn huyện tuyển sinh mở 10 lớp với 350 học viên. Công tác đào tạo nghề luôn được huyện chú trọng vào những nghề trọng điểm, phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu người lao động. Các ngành, nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào sửa chữa xe máy, điện dân dụng, lắp đặt điện nước, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y và nuôi trồng thủy sản.

Sau khi được đào tạo nghề, nhiều người lao động trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình như: Mô hình trồng nấm ở xã Mường Lói, Thanh An; mô hình chăn nuôi, thú y, thủy sản ở xã Thanh Hưng, Thanh Chăn… Trong đó, có nhiều hộ gia đình điển hình, như hộ anh Lò Văn Minh, xã Mường Lói. Trước đây, kinh tế gia đình anh chủ yếu dựa vào đồng ruộng và chăn nuôi, sản xuất dựa trên kinh nghiệm nên năng suất không cao. Năm 2014, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu bò do huyện mở, anh Minh đã được bổ sung nhiều kiến thức về cách chọn con giống, thức ăn, cách phòng chống bệnh tật cho vật nuôi… Nhờ vậy, những năm qua đàn gia súc, gia cầm của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng.

Theo ông Nguyễn Quang Khải, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên, sau học nghề học viên bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào lao động, sản xuất và tự tạo việc làm đạt khoảng 80%. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn được nâng cao. Chương trình đào tạo nghề cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người lao động trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các học viên sau khóa đào tạo đã tiếp thu được kiến thức, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để nâng cao chất lượng lao động, số lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững là phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới huyện Điện Biên đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ chủ trương của Đảng, chích sách của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề hoạt động trên địa bàn huyện, UBND các xã, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với lao động, việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ quốc gia về việc làm để thực hiện công tác đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, thông tin rộng rãi thị trường lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top