Chuyển đổi để thích ứng điều kiện mới

05:45 - Thứ Năm, 02/06/2022 Lượt xem: 5281 In bài viết

ĐBP - Tại Điện Biên, mô hình chuyển đổi số đã và đang tạo ra những thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Một số doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp chuyển đổi như: Kinh doanh trực tuyến, họp trực tuyến, mở tài khoản trực tuyến... đã góp phần tích cực giúp hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp đã trở lại bình thường.

Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay truy cập phầm mềm khám, chữa bệnh do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân cung cấp.

Năm 2009, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân có chi nhánh tại phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ được thành lập. Với mong muốn đưa công nghệ số vào lĩnh vực phần mềm quản lý y tế, quản lý tổng thể bệnh viện, phần mềm Ehis của Công ty đã tập trung tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh đảm bảo nhanh gọn, khép kín, liên tục, chính xác và chặt chẽ từ khi khách hàng vào đăng ký khám cho đến lúc ra viện, thanh toán. Phần mềm giúp tiết giảm thời gian chờ đợi của khách hàng, tăng sự hài lòng, đồng thời giảm thủ tục hành chính; giúp y bác sĩ tập trung vào công tác chuyên môn, nâng cao hiệu suất công việc. Đến hết năm 2021, hệ thống sản phẩm phần mềm của Công ty đã và đang được tin dùng tại hơn 50 bệnh viện; 1.000 phòng khám và trạm y tế xã, phường; hơn 2.000 nhà thuốc và 1 viện dưỡng lão trên khắp cả nước. Trong đó, tại tỉnh Điện Biên đã có 16 bệnh viện tại các huyện và thành phố triển khai phần mềm quản lý bệnh viện Ehis; 107/116 trạm y tế xã, 7/9 trạm y tế phường và 17 phòng khám đa khoa khu vực đã triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã, phường Ehis.

Ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân cho biết: Khi dịch bùng phát, khó khăn đầu tiên mà Công ty gặp phải là số lượng hợp đồng, đơn hàng sụt giảm mạnh tới 95%. Công ty đã phải cắt giảm kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin và dồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bởi vậy, doanh thu cũng giảm liên tiếp trong nhiều tháng liền, nhất là đợt dịch cao điểm năm 2021. Tuy nhiên, nắm bắt xu thế tất yếu, Công ty đã nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số bằng cách thiết lập các phương tiện hỗ trợ trực tuyến để đảm bảo việc hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh không bị chậm trễ, gián đoạn; cho nhân viên mang máy tính chuyên dụng về nhà làm việc. Đặc biệt là đa dạng hóa sản phẩm phần mềm, các sản phẩm trong Hệ sinh thái phần mềm quản lý Y tế Ehis được triển khai đồng bộ ở các đơn vị khám chữa bệnh tại Điện Biên như: Lấy số khám tự động; quản lý trạm y tế xã, phường Ehis; quản lý bệnh nhân Ehis; quản lý xét nghiệm Ehis (kết nối trực tiếp máy xét nghiệm 2 chiều); quản lý chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng Ehis (phần mềm kết nối CĐHA - TDCN Ehis)…  Ngoài ra, Công ty cũng đang tiến hành thí điểm mô hình bệnh viện không giấy tờ tại các đơn vị đã được triển khai Hệ thống quản lý bệnh viện Ehis, phối hợp đưa chữ ký số để hoàn toàn sử dụng đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.

Quan sát tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, chúng tôi thấy từ đầu giờ sáng đã có khá đông người đến khám bệnh song công tác khám chữa bệnh tại đây luôn được triển khai thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian không chỉ cho các y bác sĩ mà với cả người dân. Từ khi triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo đã cho thấy hiệu quả trong khám chữa bệnh, quản lý bệnh nhân. Đây là một trong những đơn vị y tế đã và đang triển khai ứng dụng phần mềm quản lý y tế, quản lý tổng thể bệnh viện của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân. Sau khi được nhân viên kỹ thuật Công ty hỗ trợ cài đặt phần mềm và hướng dẫn sử dụng cho các cán bộ, y bác sĩ, máy tính của mỗi khoa đều được nối với máy chủ. Sau mỗi lần xét nghiệm mẫu chạy thì kết quả được đưa lên hệ thống mạng, tất cả các bác sĩ chỉ định xét nghiệm chỉ cần mở máy tính là đã thấy kết quả trên hệ thống mà không cần phải trả kết quả bằng giấy như trước đây.

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng Căn cước công dân (CCCD), tại hầu hết các tuyến bệnh viện tại tỉnh Điện Biên, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân đã áp dụng mô hình sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT trong KCB BHYT để tinh giảm các thủ tục giấy tờ không cần thiết cho người dân. Theo đó, Module phần mềm hệ thống xếp hàng Ehis các bệnh viện được nâng cấp lấy thông tin từ CCCD, kèm hình ảnh bệnh nhân trong khâu tiếp đón khi đến đăng ký khám chữa bệnh. Các thông tin hành chính bệnh nhân được tra cứu nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện hơn, loại bỏ thông tin trùng lặp.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân chỉ là một trong số những doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện chuyển đổi và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành chức năng trong thời gian qua. Cùng với lĩnh vực y tế, các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã khác cũng được cơ quan chức năng hỗ trợ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số về: Tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; tiếp cận thông tin về quy hoạch, đầu tư, đất đai; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh; tham gia sàn thương mại điện tử...

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top