Thói quen xấu - cần loại bỏ

07:56 - Chủ Nhật, 19/06/2022 Lượt xem: 4249 In bài viết

ĐBP - Hút thuốc có hại cho cả người hút lẫn người phơi nhiễm khói thuốc lá, thế nhưng tình trạng hút thuốc lá ở nơi công cộng vẫn phổ biến. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực nhiều năm, mức xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng đã có, nhưng chung khó khăn với toàn quốc, việc xử lý trên địa bàn tỉnh ta vẫn bằng 0, mà chủ yếu tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Biển “Cấm hút thuốc” được gắn tại nhiều trường học, cơ quan, bệnh viện, nơi công cộng, hàng quán... Trong ảnh: Biển “Cấm hút thuốc” gắn tại hành lang lớp học Trường THPT huyện Điện Biên.

Đến những khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, hàng quán, tiệm cà phê, kể cả bệnh viện, cơ quan - là nơi cấm hút thuốc lá - nhưng không khó để thấy có người hút thuốc lá. Tại 1 tiệc cưới trong nhà hàng sang trọng nằm trên địa bàn phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ), chị Nguyễn Hồng Giang (phường Mường Thanh) vội vàng di chuyển chỗ ngồi sang phía đối diện, rồi phân trần: “Mình mới khỏi Covid-19, hít phải khói thuốc lá cảm thấy khó chịu và ho nhiều quá. Bàn bên cạnh có anh hút thuốc lá bay khói sang, hội trường kín như vậy mà vẫn làm thế được”.

Các quán cà phê, giải khát trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ cũng xảy ra những trường hợp tương tự. Trong quán cà phê thuộc phường Thanh Trường, chị Lê Thùy Dung ngồi ướng nước cùng nhóm bạn. Không gian quán xanh mát, yên ả rất thích hợp cho việc thư giãn, giảm bớt căng thẳng cuộc sống. Tuy nhiên khói thuốc lá từ bàn bên theo chiều gió bay sang phá vỡ bầu không khí ấy. Gói thuốc lá trên bàn, anh thanh niên liên tục đốt thuốc. Chị Dung phật tay trước mũi tỏ ra khó chịu với mùi thuốc, nhắc nhẹ người hút nhưng nhận được câu trả lời “Để anh hút nốt điều này”. Chị Dung kể lại: “Mình rất không thích mùi thuốc lá. Người hít phải mùi thuốc lá được gọi là hút thuốc lá thụ động, mà có nghiên cứu chỉ ra rằng 1 giờ đồng hồ hút thụ động thì số hóa chất độc hại được cơ thể tiếp nhận tương đương với việc hút 10 điếu thuốc/ngày. Thực tế, khói thuốc nhả ra môi trường còn độc hại hơn cả khói thuốc được người hút hít vào. Vì thế khi anh kia không tắt thuốc, mình đành phải thể hiện thái độ và tự bảo vệ sức khỏe mình bằng cách bật quạt về phía ấy để đẩy khói thuốc đi hướng khác”.

Ngoài các cơ quan, trường học, bệnh viện... thì nhiều hàng quán trên địa bàn tỉnh ta cũng đã gắn biển “Không hút thuốc”, nhưng việc thực hiện thực sự vẫn còn hạn chế. Một số người hút thuốc chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ quy định cấm hút tại nơi công cộng, đông người hoặc có biển cấm. Có những người, dù biết người bên cạnh tỏ ra khó chịu, dù được nhắc nhở, nhưng vẫn vô tư rít thuốc và nhả khói ra môi trường. Cùng với đó, các chủ quán, người quản lý, những người xung quanh cũng vẫn còn dè dặt trong việc nhắc nhở người hút thuốc và chưa có cơ chế, hình thức xử lý mạnh tay. Nhiều chủ cửa hàng ăn uống ở TP. Điện Biên Phủ cho biết, vì ngại mất lòng khách hàng nên cũng ít nhắc nhở.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ 1/5/2013, tuy nhiên sau 9 năm luật đi vào cuộc sống, vẫn còn nhiều người không quan tâm đến các quy định của luật; thậm chí có tư tưởng coi thường những nguy cơ được cảnh báo trước về tác hại của thuốc lá; cố tình hút thuốc lá ở những nơi không được phép hút. Điều 12, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà, nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá. Theo đó, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện giao thông công cộng… là những nơi cấm hút thuốc lá trong nhà, nhưng được phép bố trí nơi dành riêng cho người hút thuốc lá. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh ta, những địa điểm như nêu trên đều chưa bố trí được nơi dành riêng cho người hút thuốc lá đáp ứng đúng, đủ các điều kiện đề ra. Khoản 1, Điều 25, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Theo đó, người có hành vi hút thuốc lá ở những nơi có quy định cấm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 ngàn đồng. Việc xử lý này cũng gặp nhiều khó khăn, hầu hết các tỉnh, thành chưa thực hiện được.

Để phòng chống tác hại của thuốc lá, các cơ quan chức năng, đặc biệt là đơn vị có trách nhiệm xử phạt các trường hợp vi phạm phòng chống tác hại thuốc lá cần có giải pháp hiệu quả để thắt chặt hơn việc quản lý, xử phạt mang tính răn đe... Cùng với đó, vì sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chấp hành pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top