Khu tái định cư Huổi Trẳng “khát” nước sinh hoạt

14:30 - Thứ Tư, 30/11/2022 Lượt xem: 4471 In bài viết

ĐBP - Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) phải đổi bằng thóc, gạo; một số hộ khác phải dùng can nhựa đi vài kilômét lấy nước từ các mó về sử dụng. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, kể từ khi thực hiện dự án tái định cư Thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Tủa Chùa.

Một góc thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng.

Ngược trở về năm 2009, thực hiện dự án tái định cư Thủy điện Sơn La, 41 hộ dân bản Pắc Na cũ (xã Tủa Thàng) chuyển đến nơi ở mới hiện nay là thôn Huổi Trẳng, nhường đất phục vụ dự án Thủy điện Sơn La. Với mục tiêu ổn định đời sống người dân tái định cư nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, Đảng, Nhà nước đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi… trong đó bao gồm cả công trình nước sinh hoạt cho người dân Huổi Trẳng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn (gần 1 năm sau khi tái định cư), người dân Huổi Trẳng đã phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Đến nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trầm trọng hơn.

Bà Quàng Thị Cơi, người dân thôn Huổi Trẳng, cho biết: Chỉ gần một năm sau khi chuyển đến nơi ở mới, người dân trong thôn đã không được sử dụng nước sinh hoạt từ công trình Nhà nước đầu tư. Suốt nhiều năm qua, để có nước sinh hoạt, chúng tôi đã tìm đủ mọi cách, như dùng can nhựa đi lấy nước từ các mó về, thuê ô tô chở từ nơi khác đến, thậm chí hiện nay người dân đang phải đi mua nước (đổi thóc lấy nước) về sử dụng. Đời sống người dân Huổi Trẳng sau tái định cư đã cơ bản ổn định, chỉ mong muốn có nước sinh hoạt đảm bảo sử dụng.

Gia đình bà Điêu Thị Quyết, thôn Huổi Trẳng trước đây cũng từng dùng thóc “mua” nước sinh hoạt, nhưng từ năm 2020 gia đình bà tự đi tìm nguồn nước từ các mó nước để dùng. Có lần cả gia đình đi tìm nước, hết gần 5 lít xăng cho xe máy mà chỉ mang về được một ít nước. Thời gian gần đây, đi làm nương, phát hiện ra một mó nước, một số hộ chung nhau góp tiền mua đường ống dẫn nước về sử dụng. Song do nguồn nước nhỏ, ít nước mùa khô không đủ dùng nên mọi nhà chỉ dành để nấu ăn, còn tắm rửa, sinh hoạt phải ra sông, hồ.

Ông Quàng Văn Tấn, thôn Huổi Trẳng dẫn nước từ mó về dùng.

Được biết, năm 2009 Nhà nước đã đầu tư công trình nước sinh hoạt cho người dân thôn Huổi Trẳng theo hình thức cấp nước tập trung; đồng thời đầu tư xây dựng các bể chứa nước trong thôn. Thời gian đầu đủ nước sử dụng, nhưng khoảng gần 1 năm sau thì mất nước. Nguyên nhân do người dân sinh sống khu vực đập đầu mối công trình (bản Lồng Thàng, xã Tủa Thàng) chăn thả gia súc làm hư hỏng đường ống dẫn nước. Thậm chí một số hộ cố tình làm hỏng đường ống, không cho dẫn nước về thôn Huổi Trẳng, với mục đích để giữ nước sinh hoạt cho bản.

Ông Quàng Văn Tấn, Bí thư Chi bộ thôn Huổi Trẳng chia sẻ: Thời gian đầu, chúng tôi tưởng đường ống dẫn nước bị vỡ dẫn đến mất nước, nên đã đi kiểm tra, khắc phục. Thế nhưng cứ sửa rồi lại hỏng. Về sau mới biết các hộ dân khu vực bản Lồng Thàng cố tình không cho người dân thôn Huổi Trẳng lấy nước nên phá hỏng đường ống dẫn nước. Chính quyền xã Tủa Thàng cũng đã nhiều lần can thiệp, yêu cầu người dân khu vực đầu nguồn nước không tác động đến nguồn nước, cản trở dẫn nước về Huổi Trẳng nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với các đoàn giám sát, tiếp xúc cử tri, tại các cuộc họp nhưng chưa có kết quả. Những năm qua nguồn nước không được bảo vệ, gia súc, gia cầm thả rông, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi nên nguồn nước bị ô nhiễm, dân bản Huổi Trẳng hiện nay cũng không muốn sử dụng nguồn nước từ công trình này.

Bể tích trữ nước sinh hoạt của gia đình bà Điêu Thị Quyết, thôn Huổi Trẳng.

Để có nước sinh hoạt, một số hộ dân thôn Huổi Trẳng sử dụng các loại thùng, can nhựa lấy nước từ các mó ở nơi khác nhưng do khoảng cách quá xa nên đi lại vất vả. Có thời gian, dân bản thuê ô tô chở nước từ nơi khác về. Đặc biệt, khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong thôn đã phải mua nước từ mó nước của gia đình ông Giàng A Cu, thôn Tủa Thàng, xã Tủa Thàng (do mó nước nằm trong diện tích đất nương của hộ gia đình này) bằng hình thức: hàng năm đóng thóc, gạo cho gia đình ông Cu. Hiện nay có 40 hộ dân thôn Huổi Trẳng đang phải mua nước của gia đình ông Cu với giá 1 bao thóc/vụ/năm. Không chỉ mua nước, để dẫn nước về thôn, những hộ dân này phải đóng góp số tiền 11 triệu đồng mua đường ống dẫn nước về; mỗi hộ gia đình phải đầu tư xây một bể chứa nước (trung bình khoảng 21 triệu đồng/bể). Trong khi đó, do chỉ có 1 đường ống nước dẫn về thôn nên nếu hộ này lấy nước, thì hộ khác không có, phải luân phiên nhau.

Từ 41 hộ dân thời điểm tái định cư, đến nay thôn Huổi Trẳng đã có 86 hộ với 446 nhân khẩu; nhu cầu về nước sinh hoạt ngày càng lớn. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La tỉnh Điện Biên. Theo đó, mục tiêu tiếp tục ổn định đời sống sản xuất cho người dân sau tái định cư; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng… phục vụ đời sống người dân, đảm bảo không có hộ nguy cơ tái nghèo. Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, riêng hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện 18 dự án thành phần, bao gồm công trình cấp nước sinh hoạt Huổi Trẳng. Vấn đề là các cấp, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ các thủ tục, các bước đầu tư để dự án sớm được triển khai thực hiện, đảm bảo nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho người dân.

Bài, ảnh: Văn Tâm - Minh Thảo
Bình luận
Back To Top