Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp

07:22 - Thứ Sáu, 17/03/2023 Lượt xem: 3497 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Sở Tư pháp đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) từ hoạt động chuyên môn tới các thao tác nghiệp vụ hành chính. Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng nền hành chính ngày càng minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân và rút ngắn thời gian giải quyết công việc; hướng tới xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Công chức tư pháp - hộ tịch bộ phận “Một cửa” huyện Tủa Chùa hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của CNTT trong hoạt động tư pháp, ngành Tư pháp tỉnh thường xuyên quan tâm, nâng cao trình độ và kỹ năng khai thác sử dụng phương tiện, ứng dụng CNTT; xây dựng, ứng dụng và triển khai các hệ thống phần mềm, hệ thống trang thiết bị, hệ thống mạng và hệ thống an toàn, an ninh, bảo mật thông tin. Trong đó, đẩy mạnh triển khai sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh; duy trì và sử dụng 8 phần mềm ứng dụng chuyên ngành tư pháp, đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng CNTT trong các phần mềm thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp; chú trọng tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực tư pháp.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn đã rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Điển hình là các văn bản đều thực hiện bằng chữ ký số; việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản TDOffice tại các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Tư pháp đã góp phần tiết kiệm tối đa về thời gian, chi phí hành chính, thuận tiện cho công tác quản lý và điều hành. Thực hiện phát hành 100% văn bản bằng chứng thư số trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản TDOffice. Ngoài ra, phần mềm công chứng, chứng thực được các tổ chức công chứng ở cấp huyện và các xã, phường trong tỉnh thực hiện, tất cả các bản sao, hợp đồng đều được chứng thực trên phần mềm, rất thuận lợi. Hay triển khai ứng dụng phần mềm quản lý về xử lý vi phạm hành chính và phần mềm đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (khi các tổ chức, cá nhân đến văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện đều đăng tải lên trên cổng thông tin để lưu giữ, hạn chế được rủi ro). Việc thực hiện công tác hộ tịch, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ trên hệ thống điện tử. Với phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch, các thao tác như: cập nhật, sửa đổi, trích xuất tất cả thông tin về hộ tịch, hộ khẩu của người dân đều trở nên dễ dàng, có tính bảo mật cao. Đến nay, 100% xã, phường trang bị hệ thống máy tính kết nối mạng internet cho công chức tư pháp hộ tịch; 100% thủ tục hành chính được cập nhật trên cổng dịch vụ công của tỉnh.

Trước đây, việc ứng dụng CNTT còn hạn chế, công tác đăng ký khai sinh và quản lý hộ tịch ở địa phương được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công (viết tay). Phương pháp này có những hạn chế nhất định, công chức tư pháp - hộ tịch xã phải trực tiếp ghi vào giấy khai sinh, sổ đăng ký hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch để cấp cho công dân nên mất nhiều thời gian, không tránh khỏi nhiều trường hợp thông tin thiếu chính xác, sai chính tả, không đầy đủ. Đặc biệt có trường hợp nội dung giữa các loại giấy tờ, sổ sách thiếu đồng nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch của UBND cấp xã, phiền hà và ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Năm 2022 việc thực hiện đăng ký khai sinh điện tử đã được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Trong năm có hơn 14.200 trường hợp đăng ký thủ tục khai sinh và gần 3.400 trường hợp đăng ký khai tử. Đối với công tác đăng ký khai sinh và đăng ký quản lý hộ tịch; công tác tra cứu, xác minh, cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng được Sở Tư pháp ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ, triển khai trong toàn bộ quy trình thực hiện. Năm 2022, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 2.253 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, 100% phiếu đã cấp đúng và trước hạn.

Năm 2023, Sở Tư pháp xác định mục tiêu 100% văn bản trao đổi với các cơ quan Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật). Tất cả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 60% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến được tiếp nhận, xử lý trực tuyến; 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến...

Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai hiệu quả những phần mềm, ứng dụng trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó, nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, dịch vụ công cho người dân, tổ chức; tăng tính kết nối, tiếp cận pháp luật dễ dàng và thuận tiện hơn, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tại địa phương.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top