Góc nhìn – Tiêu điểm

Ô nhiễm nguồn nước

06:49 - Thứ Bảy, 18/03/2023 Lượt xem: 2318 In bài viết

ĐBP - Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên năm 2022, chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh cơ bản tốt. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường tỉnh đối với 85 điểm quan trắc trên địa bàn 10 huyện, thị xã thành phố. Kết quả phân tích 32 điểm quan trắc môi trường không khí, 7 điểm quan trắc môi trường đất đều cho thấy chất lượng tốt, các chỉ tiêu quan trắc hầu hết đều dưới quy chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, đối với môi trường nước thì chất lượng nước mặt đã suy giảm so với những năm trước, nước ngầm đã có biểu hiện ô nhiễm. Kết quả phân tích 24 mẫu nước mặt trên địa bàn tỉnh có 2/24 mẫu có chỉ tiêu DO (lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật), 7/24 mẫu có chỉ tiêu BOD5 (lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa sinh học các chất hữu cơ trong 5 ngày đầu ở nhiệt độ 200C) và COD (lượng oxy cần để oxy hoá toàn bộ các chất hoá học trong nước), 4/24 mẫu có chỉ tiêu NO2 (nitơ đioxit - là tác nhân góp phần gây ô nhiễm môi trường nước) vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Đối với môi trường nước ngầm, kết quả phân tích tại 17 điểm quan trắc trên địa bàn tỉnh cho thấy nồng độ nhiều chỉ tiêu có xu hướng tăng, điển hình là chỉ tiêu Coliform (vi khuẩn kỵ khí - chỉ tiêu Coliform càng cao thì sự ô nhiễm nước càng lớn) có 14/17 vị trí lấy mẫu cao hơn giới hạn cho phép.

Có thể nói hiện trạng môi trường nước trên địa bàn tỉnh chưa phức tạp, song với những dấu hiệu gia tăng một số chỉ tiêu ô nhiễm là vấn đề cần quan tâm. Bởi trong bối cảnh tốc độ tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng cao nếu không dành sự quan tâm đúng mức đến môi trường sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng một số chỉ tiêu ô nhiễm môi trường, như: Kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu; sự tham gia, phối hợp của các ngành, chính quyền địa phương còn hạn chế; nhận thức về bảo vệ môi trường chưa thật sự rõ nét; công tác quản lý môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản chưa triệt để...

Chúng ta đều biết vai trò quan trọng của nguồn nước đối với con người và hệ động, thực vật. Nếu không có nguồn nước thì gần như mọi hoạt động sống đều ngừng lại. Nhưng vì lợi ích trước mắt trong phát triển kinh tế mà chúng ta thải các chất vô cơ, hữu cơ, các loại hóa chất vào nguồn nước làm cho nguồn nước ngày càng ô nhiễm.

Ô nhiễm môi trường nước là hiện tượng nguồn nước (cả nước mặt và nước ngầm) bị nhiễm bẩn, thay đổi thành phần và chất lượng theo chiều hướng xấu, trong nước có các chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người và hệ sinh vật.

Lượng nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, các hóa chất tồn đọng được xả ra ao, hồ, sông suối sẽ làm môi trường sống của các sinh vật dưới nước bị thay đổi. Hậu quả là những sinh vật dưới nước chậm phát triển, nếu mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép sẽ làm hệ sinh thái dưới nước bị suy kiệt. Không những thế, ô nhiễm nước còn ảnh hưởng đến đời sống của hệ thực vật trên cạn. Bởi việc dùng nước bị ô nhiễm để tưới cho cây trồng, hoa màu sẽ khiến cây chậm phát triển; nếu nước nhiễm bẩn nặng còn làm thực vật bị chết, đất đai bị cằn cỗi, dễ xói mòn.

Để bảo vệ nguồn nước trong tự nhiên, yếu tố quyết định là nâng cao nhận thức. Giáo dục ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân đối với bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng là rất cần thiết, bắt đầu từ những hành động đơn giản như để rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi… Đồng thời hoàn thiện hệ thống chế tài xử lý vi phạm về môi trường. Bởi vì, cùng với tuyên truyền giáo dục thì cần có những biện pháp răn đe kịp thời, nghiêm minh.

Cùng với đó, sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại khu dân cư, cơ sở chế biến nông nghiệp. Đây cũng là hạn chế của tỉnh ta khi hiện nay mới có 2 đô thị (TP. Điện Biên Phủ và TX. Mường Lay) được xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất xử lý 12.350 m3/ngày, đêm còn các thị trấn, trung tâm các huyện đều chưa có. Đối với cụm dân cư, thôn, bản đều chưa có hệ thống tiếp nhận nước thải tập trung mà chủ yếu được thu vào cống, rãnh sau đó được xả vào hệ thống kênh mương nội đồng, ao hồ, sông suối. Trong khi nước thải hữu cơ, nước thải sinh hoạt, nước thải hoá chất là các tác nhân tạo ra các chỉ tiêu BOD và COD cao trong môi trường nước.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top