Quan trọng hơn cả là ý thức vươn lên

06:53 - Thứ Bảy, 03/06/2023 Lượt xem: 6136 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là tỉnh miền núi với trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh chiếm 39,98%, cao thứ 3 trong cả nước. Để giảm nghèo bền vững, cùng các chính sách, chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì quan trọng hơn cả là ý thức tự lực, vươn lên của người dân.

Người dân bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo với mong muốn khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên, văn hóa để phát triển bản thành điểm đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Cách đây chỉ 5 năm, cộng đồng dân tộc Khơ Mú, bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên vẫn có số hộ nghèo nhiều nhất xã. Phần đông số hộ trong bản thiếu đói hàng năm, nhiều nhà ở dột nát. Thiếu kiến thức, thiếu đất sản xuất, tập quán canh tác lạc hậu cùng với tình trạng ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước là những nguyên nhân chính khiến cho người dân chìm đắm trong nghèo khó. Thế nhưng ngày nay, bản Tin Tốc đã đổi thay nhiều nhờ nhận thức thay đổi. Không còn sống dựa hoàn toàn vào rừng, quanh năm trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, đa số người dân Tin Tốc trong độ tuổi lao động đã có việc làm, thu nhập. Bản có 73 hộ thì có hơn 30 hộ tham gia làm công nhân cho Công ty Cổ phần cao su Điện Biên, trên 30% người trẻ đi làm ăn xa ở các công trường, khu công nghiệp tại các tỉnh miền xuôi. Chị Lò Thị Lún cho biết: “Chúng tôi góp đất trồng cao su và nhận khoán khai thác mủ cao su, ăn theo sản phẩm. Mỗi người hoặc mỗi nhà thường được giao 3 phiên cao su (600 cây/phiên). Cao su thu hoạch kéo dài 7 tháng/năm. Với giá 3.800 - 4.000 đồng/kg mủ cao su, khai thác được trung bình 1,5 tấn/tháng, tôi có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Việc thu hoạch cao su không quá vất vả, thực hiện thời điểm nhất định trong ngày, nên tôi còn làm thêm được nhiều việc khác”.

Từ năm 2008, theo chủ trương góp đất trồng cây cao su của tỉnh, 70 hộ dân bản Tin Tốc đã góp gần 100ha đất, phủ xanh đất trống, đồi trọc, nương bạc màu bằng cây cao su. Sau gần 10 năm đưa vào trồng, những diện tích này đã cho thu hoạch. Ông Lò Văn Chựa, Trưởng bản Tin Tốc cho biết: “Sau những lần nghe tuyên truyền, vận động và thấy được lợi ích của công việc tại chỗ, nhiều người dân trong bản đã nhận khoán với Công ty chăm sóc, khai thác mủ cao su. Ban đầu học cách làm và phải thực hiện đúng kỹ thuật với nhiều người là điều không ít khó khăn, chưa quen, nên ngại tham gia. Nhưng nhà này thấy nhà kia có công việc, có tiền, có đồ dùng, đồ ăn ngon thì cũng phấn khởi, đăng ký làm xem sao. Dần dần người dân ngày càng chăm chỉ và tích cực hơn”. Nhờ đó các hộ dân có thu nhập đảm bảo cuộc sống, không còn tình trạng thiếu đói. Người dân cũng được tiếp cận xã hội ngày càng sâu rộng, nhận thức mở mang hơn, thanh niên trong bản đi làm ăn xa ngày càng nhiều để gửi tiền về chăm lo cho gia đình.

“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Khi tư duy, nhận thức thay đổi, người dân có ý chí nỗ lực vươn lên thì sẽ “cắt đứt” cái nghèo, hướng tới cuộc sống ấm no, đủ đầy. Bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo không phải địa bàn quá khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng so với các bản khác trên địa bàn, bản Lồng có ít lợi thế hơn trong phát triển kinh tế. Vì thế cấp ủy, chính quyền và người dân của bản luôn suy nghĩ, tìm hướng đi phù hợp để đưa bản đổi thay, thoát nghèo bền vững.

Ông Mùa A Sùng, Trưởng bản Lồng chia sẻ: Các bản khác trong xã ngày càng đi lên, đời sống khấm khá nhờ phát triển mạnh các loại cây trồng có giá trị như cà phê, sơn tra, mắc ca... Bản Lồng không có đất sản xuất để nhân rộng những mô hình như thế. Đổi lại, bản được thiên nhiên ưu đãi với cảnh đẹp độc đáo, núi non hùng vĩ; văn hóa dân tộc Mông còn được gìn giữ tốt; ốc bản Lồng nổi tiếng; được nhận xét có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. Vì thế nên người dân rất ủng hộ và kỳ vọng mở hướng đi này. Mới đây cơ quan chuyên môn cùng các chuyên gia đã lên khảo sát bản. Chúng tôi sẵn sàng tham gia các hoạt động, bỏ công sức làm đẹp bản, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu du lịch trong thời gian tới.

Những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị các cấp. Để giúp người nghèo, hộ nghèo vươn lên, trên cơ sở các chương trình, dự án, các địa phương đã thực hiện tốt nhiều nhóm chính sách trợ giúp người dân, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh...

Qua đó, có thể thấy nhận thức, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tự lực dựng xây cuộc sống mới của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh ta đã chuyển biến tích cực. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được xóa bỏ. Tinh thần này cần được lan tỏa, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa trên địa bàn, thúc đẩy các dân tộc, các cộng đồng, địa phương chủ động, cầu thị, tự lực đi lên, giảm nghèo bền vững.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top