Vì tương lai xanh

09:44 - Thứ Bảy, 18/11/2023 Lượt xem: 4997 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, các cấp, ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, gắn với nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc xây dựng không gian sống xanh, sạch, đẹp. Quan trọng hơn, qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, đưa bảo vệ môi trường trở thành nếp nghĩ, thói quen, sự tự giác trong hoạt động hàng ngày của mỗi người dân...

Hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Tuy nhiên, tình trạng xả rác bừa bãi làm ách tắc dòng chảy gây khó khăn cho công tác điều tiết nước đang trở nên đáng báo động hay nghiêm trọng hơn là gây ô nhiễm nguồn nước. Trước thực trạng trên, thầy, trò Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên đã nảy ra sáng kiến, thiết kế máy vớt rác tự động. Ðây là một thiết bị có kết cấu rất đơn giản nhưng lại là một trợ thủ đắc lực trong việc giữ gìn hệ thống kênh mương luôn được sạch sẽ, hiệu quả với rác lên tới 90%.

Sản phẩm của thầy và trò Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn được đưa đến tay bà con nông dân đã trả lại sự thông thoáng cho hệ thống kênh mương điều tiết nước hiệu quả cho sản xuất. “Chúng tôi rất mong muốn các xã có kênh mương dẫn nước tưới tiêu có thể quan tâm đầu tư lắp đặt một thiết bị ở khu vực đầu nguồn của xã. Về phần kỹ thuật thầy trò chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ được với mục đích làm sao để chung tay giải quyết được hết rác thải đang làm ảnh hưởng tới sản xuất của bà con…” - Thầy Bùi Tiến Phong tâm sự.

Cũng tại huyện Ðiện Biên, với sức trẻ, đoàn viên, thanh niên tại đây triển khai hoạt động “Chủ nhật xanh”, góp phần vào bảo vệ môi trường sống. Cứ vào dịp cuối tuần, đoàn viên thanh niên xã Thanh An, huyện Ðiện Biên lại khoác lên mình chiếc áo xanh của tuổi trẻ, đồng hành cùng nhau dọn vệ sinh, thu gom rác thải trên các tuyến đường nội bản, liên xã... Chị Quàng Thị Hạnh, Phó Bí thư Ðoàn xã Thanh An chia sẻ: “Có một thực tế đang tồn tại không chỉ trên địa bàn xã chúng tôi mà tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện là nông dân sử dụng xong lại vứt bừa bãi các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng. Nhiều người dân cũng chưa có ý thức bảo vệ môi trường khi vứt rác, nhất là các loại rác thải khó phân hủy như túi nilon bừa bãi ngay tại khu dân cư mình sinh sống... Chính vì vậy, đoàn xã tổ chức các hoạt động ngày “Chủ nhật xanh” cho các bạn đoàn viên thanh niên nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới cuộc sống xanh - sạch - đẹp. Mỗi người một tay, cùng nhau dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường của xã thì chẳng mấy chốc vẻ đẹp cho những tuyến đường nông thôn sẽ được trả lại... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định đoàn viên thanh niên là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người thân có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày. Có thể tuyên truyền ngay cho các bà, các mẹ, các chị từ những việc đơn giản như đi chợ sử dụng các giỏ đựng đồ thay cho túi nilon...”.

Còn tại TP. Ðiện Biên Phủ, từ năm 2019 trở lại đây, hội viên phụ nữ tổ dân phố 6, phường Tân Thanh đã hạn chế sử dụng túi nilon trong việc mua sắm hàng ngày. Thay vào đó, chị em sử dụng chiếc làn nhựa để đựng tất cả các mặt hàng đã mua chứ không còn xách túi to, túi nhỏ về nhà như trước. Chiếc làn nhựa đã trở thành “người bạn thân” của chị em phụ nữ nơi đây mỗi lúc đi mua sắm. Nhờ vậy mà chị em trong chi hội đã hạn chế được việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày… Có dịp cùng với các bà nội trợ tổ dân phố 6 đi chợ mới thấy sự tiện dụng và thân thiện với môi trường của chiếc làn này. Thay vì mỗi loại thực phẩm đựng vào một túi nilon, thậm chí lồng 2 lớp túi nilon cho chắc chắn thì nay chỉ cần xếp gọn gàng thành từng lớp vào trong làn. Với những thực phẩm có chứa nước, chị em chủ động mang theo thêm hộp nhựa để đựng… Bà Nguyễn Thị Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 6, phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2019, chi hội chúng tôi mạnh dạn xin cấp ủy tổ chức một buổi tập huấn nho nhỏ để nêu lên ý nghĩa của việc đi chợ mua sắm bằng làn nhựa hoặc hộp nhựa. Qua đó, từng bước giảm thiểu sử dụng túi nilon trong cuộc sống hàng ngày, hạn chế rác thải và góp phần đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp”.

“Lúc đầu triển khai nội dung này cũng gặp một số khó khăn, mà chúng tôi cũng xác định là không thể tránh được. Bởi vì, chị em đang dùng túi nilon rất tiện, đi chợ về quẳng vào thùng rác là xong. Bây giờ phải đưa chị em vào phương pháp mới này dần dần qua qua các buổi sinh hoạt, các buổi họp chi hội. “Mưa dầm thấm lâu”, chị em cũng nhận thức được vấn đề về chống rác thải nhựa là có lợi cho môi trường. Còn sử dụng túi nilon thì phải rất lâu mới phân hủy được. Ngày nào cũng thải ra nhiều như thế sẽ gây ô nhiễm môi trường sống của con cháu sau này… Mới đầu nhận làn còn lạ lẫm chứ bây giờ thì chị em quen thuộc với cái làn của mình rồi. Ngày nào đi chợ cũng phải mang theo…” - bà Nguyễn Thị Tâm nói.

Có thể thấy, nhiều hoạt động tham gia chung tay bảo vệ môi trường sống không phải quá lớn, thậm chí chỉ là một hành động nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa, hiệu quả lớn lao, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sống. Sự vào cuộc của các cấp, ngành không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của từng người, mà còn làm thay đổi diện mạo, đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, để mỗi khu dân cư đều trở nên xanh - sạch - đẹp, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh...

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top