Vấn đề kỳ này

Không bỏ người nghèo lại phía sau

15:41 - Thứ Sáu, 01/12/2023 Lượt xem: 4443 In bài viết

ĐBP - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên vừa có báo cáo kết quả công tác vận động, quản lý, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023.

Sau 1 năm phát động ủng hộ, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã tiếp nhận số tiền gần 146 tỷ đồng; số dư Quỹ các cấp từ năm 2022 chuyển sang trên 51 tỷ đồng. Từ số tiền này, Ban vận động Quỹ các cấp đã phân bổ trên 174 tỷ đồng hỗ trợ, làm mới và sửa chữa 5.238 căn nhà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo; 67 công trình vệ sinh; tặng 6.823 suất quà cho hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dịp Tết Nguyên đán năm 2023; tặng 1.315 suất quà cho học sinh con hộ nghèo hiếu học; hỗ trợ sinh kế cho 53 hộ nghèo…

Con số nói lên nhiều điều. Đó là các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội trên nhiều lĩnh vực: từ nơi ăn, chốn ở, học tập, sinh kế… để phát triển kinh tế.

Chủ trương “Chung tay giúp đỡ người nghèo - không để ai bị bỏ lại phá sau” đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh xuống xã, bản quan tâm, hưởng ứng và vào cuộc một cách thực tâm, có trách nhiệm.

Trong chuyến công tác tại huyện Mường Ảng mới đây, qua nắm thông tin về việc làm nhà Đại đoàn kết cho người nghèo theo Đề án 09 của Trung ương MTTQ Việt Nam, huyện đã chủ động vào cuộc. Phân công, phân nhiệm rõ ràng, có lộ trình xoá nhà tạm cụ thể. Ngoài nguồn Quỹ Trung ương và của tỉnh phân bổ, huyện phát động toàn thể cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia đóng góp thêm. Cùng với đó, Thường trực Huyện uỷ làm việc với Bộ Tài chính xin thêm nguồn để xoá nhà tạm cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Cách làm của huyện Mường Ảng đã đẩy nhanh tiến độ xoá nhà tạm theo chủ trương chung của tỉnh, được các cấp, ngành đánh giá cao, đại bộ phận nhân dân ủng hộ. Phấn đấu đến cuối tháng 12 năm nay, toàn bộ 836 hộ nghèo sẽ được xoá nhà tạm, về đích trước nhiều tuần so với kế hoạch của tỉnh, giúp bà con được đón tết, vui xuân trong ngôi nhà mới ấm cúng, yên vui.

Tại huyện cực Tây Tổ quốc - Mường Nhé, thời điểm này, nhiều hộ nghèo đã có nhà mới đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng” ở theo Đề án 09 của Trung ương MTTQ Việt Nam. Mùa đông miền biên viễn Mường Nhé, nhiệt độ ban đêm và sáng sớm thường xuống thấp, rét tái tê. Vậy nhưng nhiều gia đình tại các xã trong huyện đã kịp hoàn thành nhà Đại đoàn kết, được kéo điện thắp sáng, cuộc sống ấm áp, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân.

Ngoài xoá nhà tạm cho hộ nghèo theo Đề án 09, nhiều năm qua, huyện Mường Nhé được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giúp đỡ, nên phần lớn hộ nghèo đã xây dựng nhà đảm bảo “3 cứng”. Lãnh đạo huyện Mường Nhé cho biết: Nếu không có sự chung tay, giúp đỡ của các cấp, ngành từ Trung ương xuống địa phương và các mạnh thường quân thì nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội của huyện còn phải ở trong những ngôi nhà tạm ẩm thấp, mưa dột, nắng dọi, nghèo khó vẫn bủa vây.  

Là tỉnh nghèo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều năm qua, Điện Biên rất quan tâm, dành nguồn lực, lồng ghép các chính sách tập trung xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan; nhất là xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, lại xa các trung tâm kinh tế, thành phố lớn, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai hoành hành… nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh vẫn ở mức cao.

Lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị sốt sắng, đề ra lộ trình xoá nhà tạm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội giúp người nghèo. Mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5%; với các huyện 30a, tỷ lệ này giảm sâu hơn. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm… giúp dân hưởng lợi trực tiếp, tỉnh chú trọng vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, nhận được sự hưởng ứng, quan tâm của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công cuộc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, khi chúng ta phát huy, khơi dậy được tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”. Khách quan đánh giá, việc ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của tỉnh thời gian qua vẫn chủ yếu do cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Chương trình thường chỉ rộ lên thời gian ngắn rồi lắng xuống, nên tổng số tiền vận động được hàng năm chưa nhiều.

Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo tỉnh” cho rằng, nếu khối doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể sẵn sàng sẻ chia khó khăn với người nghèo, trách nhiệm hơn nữa với lời kêu gọi của tỉnh, thì số tiền huy động được hàng năm sẽ lớn hơn. Đồng nghĩa mỗi năm có thêm nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội được hỗ trợ, giúp đỡ. Khi đó, lộ trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh sẽ về đích sớm hơn.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top