Cần sự chung tay của cả cộng đồng

08:50 - Chủ Nhật, 07/01/2024 Lượt xem: 4751 In bài viết

ĐBP - Dù có nhiều nỗ lực trong đấu tranh ngăn chặn nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, song thời gian qua lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh vẫn phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ vi phạm. Để ngăn chặn tình trạng trên, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cần sự chung tay của cả cộng đồng với các hành động thiết thực.

Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé là nơi có hệ sinh thái phong phú, đa dạng nhất trên địa bàn tỉnh.

Điện Biên có diện tích rừng hơn 407.000ha. Đây là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm một số loài quý hiếm, nguy cấp, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thuộc phụ lục CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và là Hiệp ước đa phương giữa các Chính phủ).

Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé có hệ sinh thái phong phú được đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học cao. Tại đây có 27 bộ; 95 họ và 133 loài động vật rừng. Trong đó, 55 loài động vật rừng quý hiếm như: Gấu chó, gấu ngựa, vượn bạc má, vọoc, các loài khỉ, công, niệc cổ hung… Về chim và bò sát, có tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ đã được ghi nhận; trong đó, có 2 loài trong Sách đỏ IUCN 2009 gồm: Bồng chanh rừng và sẻ đồng ngực vàng. Ngoài ra, 2 loài có mặt trong Sách đỏ Việt Nam, gồm: Gà lôi trắng và mỏ rộng xanh.

Cá thể cu li được người dân phát hiện.

Bảo tồn các loài động vật hoang dã, tỉnh Điện Biên đã có nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm... Năm 2023, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức gần 1.000 lượt tuyên truyền tại cơ sở với trên 50.000 người tham gia. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã biên soạn, phiên dịch nội dung tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã bằng tiếng Mông, tiếng Thái dài 150 phút để phát trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, bản; tổ chức 2 đợt in, cấp phát 7.500 poster, 5.500 tờ rơi tuyên truyền tại cấp xã, thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền người dân bảo vệ động vật hoang dã.

Chính quyền các cấp và ngành chức năng cũng tăng cường quản lý, kiểm soát các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã; nghiêm cấm việc gây nuôi động vật hoang dã không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc săn bắt từ tự nhiên. Qua kiểm soát, trên địa bàn tỉnh có tổng số 77 cơ sở nuôi động vật hoang dã (tăng 11 cơ sở so với năm 2022), trong đó, 17 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục CITES (đã được cấp mã số cơ sở nuôi 14 cơ sở) và 60 cơ sở nuôi động vật hoang dã rừng thông thường.

Dù triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nhưng những năm qua, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã vẫn diễn ra phức tạp. Đây là mối đe dọa chính, dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã, gây mất đa dạng sinh học. Điển hình, ngày 16/5/2023, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Mường Nhé phát hiện đối tượng Sùng A Thắng (SN 1988, trú tại bản Mường Toong 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé), có hành vi tàng trữ trái phép 27 cá thể động vật hoang dã, trọng lượng 78kg, trong đó 23 cá thể còn sống, 4 cá thể đã chết. Qua kiểm tra, Sùng A Thắng không xuất trình được các giấy tờ, thủ tục pháp lý và tính hợp pháp của số cá thể động vật hoang dã nói trên.

Lực lượng chức năng huyện Mường Nhé thả cá thể động vật hoang dã vào Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé.

Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều người về mua bán, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã chưa thay đổi, thậm chí có xu hướng gia tăng, trong khi các quy định của pháp luật về động vật hoang dã vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử ngày 22/3/2023, tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên khi kiểm tra tại khu vực Đền Hoàng Công Chất, xã Noong Hẹt đã phát hiện 4 người dân bày bán trái phép tổng cộng 200 cá thể chim di đá (tên khoa học Lonchura). Tại thời điểm kiểm tra, 4 người dân không xuất trình được giấy tờ liên quan đến toàn bộ số chim này và cho rằng không biết việc bán loài chim này là vi phạm. Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên phối hợp với đơn vị liên quan lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm. Ngay sau đó, toàn bộ số cá thể chim trên đã được lực lượng chức năng thả về môi trường tự nhiên.

Năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ trì, phối hợp phát hiện, xử lý 44 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Trong đó,  có 17 vụ xác định được đối tượng vi phạm; 27 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Tang vật tịch thu gồm 167 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tổng trọng lượng 80,59kg (cầy vòi mốc, cầy vòi hương, khướu bạc má, mèo rừng, kỳ đà hoa, yến phụng, kim oanh tai bạc...); 482 cá thể động vật rừng thông thường, có tổng trọng lượng 170,2kg (tắc kè, hoẵng, sóc, nhím...) đã xử phạt, thu nộp ngân sách Nhà nước 144,25 triệu đồng.

Người dân TP. Điện Biên Phủ bàn giao cá thể cu li lớn cho lực lượng chức năng.

Ông Trần Đức Quyền, Phó trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Bảo vệ động vật hoang dã, nhất là những động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng là hành động vô cùng cấp thiết. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân để bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi xuất nhập khẩu, săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, xâm hại động vật rừng hoang dã. Đặc biệt, triển khai các hoạt động giáo dục, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Chỉ khi không còn nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, nguy cấp, hoạt động buôn bán trái phép mới được ngăn chặn triệt để.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top