Phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ

08:49 - Thứ Hai, 07/11/2022 Lượt xem: 6495 In bài viết

ĐBP - 2 tháng gần đây, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), số bệnh nhi điều trị nội trú có chiều hướng gia tăng, duy trì trong mức từ 90 đến 120 trẻ/ngày. Số trẻ nhập viện điều trị chủ yếu là mắc các bệnh về đường hô hấp, như viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm họng cấp, viêm phế quản; trong đó, bệnh viêm phổi chiếm đa số.

Nguyên nhân khiến nhiều trẻ em mắc phải các bệnh về đường hô hấp là do trẻ chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể. Trong khi đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh vi rút, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đặc biệt là trẻ em ở bậc mầm non, tiểu học; hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như thay đổi thời tiết, độ ẩm không khí thấp, môi trường ô nhiễm… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới đường hô hấp ở trẻ nhỏ.

Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám sức khỏe cho bệnh nhi.

Bác sĩ Đỗ Thị Lan Hương, Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Ở trẻ em có hai nhóm bệnh chính thường mắc phải là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính (như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm phổi), các bệnh dị ứng đường hô hấp (như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, hen suyễn, viêm họng, viêm tai giữa). Thời tiết chuyển lạnh, giao mùa, nhiệt độ xuống thấp cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến trẻ bị mắc bệnh cúm. Các bệnh về đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, đặc biệt là vào mùa đông, khi thời tiết hanh khô và đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em do sức đề kháng của trẻ còn yếu. Nếu trẻ bị viêm đường hô hấp trên mà không chữa trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi. Khi trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp trên sẽ có những biểu hiện như: Sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, mệt mỏi...

Để hạn chế mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là vào thời điểm giao mùa, cha mẹ nên hạn chế việc đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nếu bắt buộc phải đi, cần đeo khẩu trang cho trẻ. Cha mẹ cũng cần để ý chăm sóc, giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh. Do các loại vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp có thể tấn công trẻ bằng đường miệng; vì vậy, việc giữ cho trẻ đôi bàn tay sạch sẽ là điều rất cần thiết, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay từ ngoài trở về nhà. Do vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại ở bất kỳ đâu trong không gian và tấn công vào hệ hô hấp của con người nên để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, giữ cho nhà thông thoáng, sạch sẽ. Cùng với đó, để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em, việc cung cấp các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, đặc biệt là các chất tăng cường sức đề kháng là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh có thể sử dụng linh hoạt các loại trái cây, rau củ sáng màu (cà rốt, đu đủ, xoài, đào, khoai lang, bí đỏ, cam, chanh, bưởi táo...) hay rau màu xanh đậm (súp lơ, rau dền, rau ngót, rau cải...) trong bữa ăn của trẻ. Việc ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ còn được áp dụng bằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh ngay từ khi trẻ còn nhỏ nhằm tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa sự xâm hại của vi rút độc hại, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top