Tăng cường năng lực, chất lượng dịch vụ y tế khu vực biển, đảo

10:24 - Chủ Nhật, 11/06/2023 Lượt xem: 5050 In bài viết

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 8/6/2023 phê duyệt Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030.

Mục tiêu chung của Chương trình là củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe quân và dân khu vực biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, đến năm 2025, 40% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; 70% trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ sở y tế dự phòng quân đội tại các tỉnh có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

Bên cạnh đó, 70% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định; 80% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển; 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

Đến năm 2030, 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; 100% trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ sở y tế dự phòng quân đội tại các tỉnh có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

70% tàu mặt nước thuộc Hải quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng được trang bị đồng bộ trang thiết bị y tế cho cấp cứu đầu tiên và thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển; 100% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định; 100% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển; 100% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 7 giải pháp gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế biển, đảo; củng cố và tăng cường năng lực y tế dự phòng khu vực biển, đảo; củng cố, tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao năng lực cấp cứu, vận chuyển người bệnh; phát triển nguồn nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo; xây dựng các định mức, tiêu chuẩn đặc thù cho y tế biển, đảo; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân khu vực biển, đảo.

Trong đó, nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, vận chuyển người bệnh, sẽ đầu tư trang thiết bị, nhân lực, xây dựng các phương án, quy chế phối hợp giữa trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 thuộc các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu với trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực và lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng trong tổ chức cấp cứu, vận chuyển người bệnh.

Bên cạnh đó, trang bị đồng bộ trang thiết bị y tế cấp cứu đầu tiên và thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển cho tàu mặt nước thuộc Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và các tàu tìm kiếm cứu nạn.

Cải tạo, nâng cấp một số phương tiện hiện có của các bộ, ngành, địa phương để có khả năng cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Trang bị đủ phương tiện cấp cứu, vận chuyển cho bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo.

Tổ chức, huấn luyện các đội y tế cơ động cấp tỉnh thuộc các tỉnh, thành phố ven biển, lực lượng dân quân tự vệ biển, lực lượng bán chuyên trách, lực lượng huy động ở các bộ, ngành kinh tế biển sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển người bệnh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ để triển khai Chương trình do Bộ Y tế thực hiện. Đồng thời, xây dựng dự toán triển khai các nhiệm vụ của Bộ Y tế để thực hiện Chương trình, tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

Bộ Y tế hướng dẫn xây dựng các phương án, quy chế phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý tình huống khẩn cấp về y tế trên biển, đảo theo từng cấp độ, từng khu vực; chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Bộ Quốc phòng được giao chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ triển khai Chương trình do Bộ Quốc phòng thực hiện; chủ trì, xây dựng kế hoạch để thực hiện các dự án, chương trình liên quan đến huy động lực lượng, phương tiện bay, tàu biển để vận chuyển cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo…

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top