“Báo động đỏ” - Giành giật sự sống cho người bệnh

08:45 - Thứ Tư, 14/06/2023 Lượt xem: 5898 In bài viết

ĐBP - Khi “báo động đỏ” được kích hoạt, là đang có ít nhất 1 bệnh nhân gặp tình trạng nguy kịch, cần phải can thiệp phẫu thuật/thủ thuật khẩn cấp. Các chuyên khoa liên quan của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhanh chóng có mặt, phối hợp chặt chẽ để kịp thời cấp cứu, đưa người bệnh ra khỏi tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Cán bộ y tế Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân Mùa Thị M. hồi phục sau mổ cấp cứu.

Cuối tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kích hoạt “báo động đỏ”, tiếp cận ca bệnh ngay trên đường từ Mường Nhé ra TP. Điện Biên Phủ. Vừa nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết, vừa vận chuyển người bệnh ra Bệnh viện, tiến hành mổ cấp cứu. Nhờ đó đã cứu sống bệnh nhân trước “cửa tử”. Đó là ca bệnh Mùa Thị M. (23 tuổi), xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, mang thai tuần 38, chuyển dạ lần 3, sẹo mổ lấy thai cũ 2 lần. Sản phụ đẻ tại nhà, đến khi nguy hiểm mới vào Trung tâm Y tế huyện, được tiến hành mổ cấp cứu lấy thai. Sau mổ, máu chảy ồ ạt không cầm do đờ tử cung, được hội chẩn mổ cấp cứu lần 2 xử trí và cắt tử cung bán phần.

Ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh kể lại: “11 giờ 18 phút, ngày 12/4, Bệnh viện nhận được điện thoại báo đề nghị hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé. Nắm rõ tình hình nguy kịch của bệnh nhân, Bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ, huy động lãnh đạo trực, Trưởng khoa Sản, Khoa Xét nghiệm, Khoa Nội tổng hợp, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Trung tâm Huyết học truyền máu. Đến 11 giờ 45 phút, Bệnh viện thành lập tổ hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện bao gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên truyền máu, nhanh chóng xuất phát vào Mường Nhé. Trong lúc đó, bệnh nhân cũng được vận chuyển ra hướng thành phố trong tình trạng đe dọa ngừng tim phổi. Hai bên gặp nhau tại địa bàn xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ). Tổ hỗ trợ của chúng tôi đã nhanh chóng thực hiện cấp cứu, truyền máu cho bệnh nhân, tiếp tục vừa di chuyển vừa tiến hành các biện pháp cấp cứu trên xe. Trên đường đi, sản phụ đã được truyền 5 đơn vị máu và chế phẩm máu.

Bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào 17 giờ 30 phút, trong tình trạng điểm chảy máu tử cung chưa cầm, chỉ số xét nghiệm và dấu hiệu lâm sàng xấu. Lúc này, phòng mổ, kíp phẫn thuật đều đã sẵn sàng. Sau hội chuẩn, nhanh chóng đưa bệnh nhân vào mổ cấp cứu thăm dò ổ bụng, xử trí cầm máu. Tuy nhiên sản phụ bị rối loạn đông máu nặng, nguy cơ chảy máu không cầm trong phẫu thuật. Bệnh viện đã đưa ra quyết định truyền máu toàn phần trực tiếp cho bệnh nhân - phương pháp hiếm khi sử dụng.

Bác sĩ Trần Thị Lịch, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm cho biết: “Máu tươi đầy đủ các yếu tố đông máu sẽ bù cho người bệnh. Để thực hiện phương pháp này, chúng tôi phải chọn “nguồn máu sống” có chất lượng, là cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đang trực của bệnh viện mới hiến máu vào dịp 27/12/2022 (cách hơn 3 tháng), đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Chỉ trong 30 phút đã có 7 đơn vị máu cho người bệnh. Mặc dù vẫn lo bệnh nhân gặp những phản ứng truyền máu nhưng ở thời điểm cấp bách đấy thì cứu tính mạng người bệnh là trên hết. Sau đó, kết quả đông máu của bệnh nhân M. đã cải thiện, cầm được máu”.

Nhờ những xử lý kịp thời ấy cùng chăm sóc tích cực, Mùa Thị M. đã dần hồi phục tốt, 2 mẹ con đều ổn định, xuất viện vào ngày 25/4, sau 2 tuần bước 1 chân vào “cửa tử”. Anh Sùng A Sử, chồng chị M. chia sẻ: “Có lúc gia đình em tưởng như đã hết hy vọng, nhìn vợ mà em không biết phải làm gì nữa, nhưng nhờ có các y bác sĩ cấp cứu kịp thời, vợ em mới được cứu sống”.

Không chỉ ca bệnh của Mùa Thị M., trước đó, ngày 7/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 1 ca tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bệnh nhân là ông Đặng Văn T. (77 tuổi, tại TP. Điện Biên Phủ), dập nát toàn bộ 2 đùi cẳng chân 2 bên, đứt rời cổ chân trái. Các khoa: Cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Gây mê phẫu thuật được huy động, nhanh chóng có mặt, chuyển bệnh nhân vào phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân phải cắt cụt 1/3 dưới đùi 2 bên, sau mổ được điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được. Đến ngày 23/4, được chuyển tuyến trên.

Được biết, Bệnh viện đã kích hoạt “báo động đỏ” với 3 bệnh nhân. Ngoài 2 trường hợp trên còn 1 trường hợp suy hô hấp/đa chấn thương/suy thận cấp/suy gan/gãy xương sườn 7, 8 bên phải, vỡ gan độ IV, chấn thương thận. Các bệnh nhân đều trong tình trạng nguy kịch, cần sự phối hợp của nhiều khoa lâm sàng. 2 bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu, tình trạng ra viện ổn định; 1 bệnh nhân do gia đình từ chối điều trị, xin ra viện.

Quy trình “báo động đỏ” có tính ưu việt, cho phép ngay lập tức huy động nhiều bộ phận liên quan, để khẩn trương tập trung cấp cứu người bệnh trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn. Khi kích hoạt báo động, các thành phần được huy động phải có mặt trong vòng 5 phút, phòng mổ cấp cứu sẵn sàng trong vòng 10 phút. “Báo động đỏ” đã chứng minh hiệu quả, khi cứu sống được bệnh nhân nặng, nguy kịch qua cơn hiểm nghèo. Và góp phần khẳng định năng lực, tâm huyết của từng nhân viên y tế trong cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top