Các bệnh viện tuyến Trung ương bảo đảm thuốc, vật tư y tế như thế nào?

16:18 - Thứ Hai, 06/11/2023 Lượt xem: 4881 In bài viết

Để bảo đảm có đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, một số bệnh viện lớn tuyến Trung ương đã có nhiều giải pháp khác nhau. 

Bệnh viện Nhi Trung ương bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho khám chữa bệnh.

Chia nhiều gói thầu, lập kế hoạch sát với nhu cầu khám chữa bệnh

Trung bình, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khám khoảng 5.000- 6.000 bệnh nhân trong đó có hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Thường xuyên có khoảng gần 100 trẻ đang phải thở máy và 100 bé phải thở oxy, từng giây phút chống chọi với bệnh tật, rất nhiều em mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.

Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, để phục vụ thăm khám và điều trị cho số lượng bệnh nhân nhi như vậy đòi hỏi phải luôn có một cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất… không nhỏ.

Để giải quyết vấn đề khủng hoảng nguồn cung sau đại dịch covid-19, theo ông Hải, cùng với việc xây dựng và ban hành quy trình đấu thầu, mua sắm riêng từng nhóm hàng hóa thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, bệnh viện đã thành lập Hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các khoa, phòng, trung tâm.

Các Hội đồng nhỏ như Hội đồng mua sắm thuốc, Hội đồng mua sắm trang thiết bị y tế; Hội đồng mua sắm vật tư-sinh phẩm xét nghiệm cũng được thành lập song song để chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất của thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế… Sau đó, bệnh viện triển khai đấu thầu, mua sắm trên cơ sở ý kiến của các Hội đồng.

Bên cạnh đó, bệnh viện thực hiện đấu thầu, mua sắm bằng cách chia ra nhiều gói thầu khác nhau.

Riêng về trang thiết bị, vật tư sẽ chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều nhà thầu có thể tham gia và bệnh viện có thể lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý.

"Tính đến thời điểm này của năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức nhiều đợt lựa chọn nhà thầu đã tiến hành đấu thầu, mua sắm thành công theo quy định hiện hành hơn 50 gói thầu thiết bị, vật tư, thuốc, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị những trường hợp khó."

Từ thực tiễn của Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Hải chia sẻ thêm, để phục vụ cho công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế, Ban Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm phải lập kế hoạch sát với nhu cầu khám chữa bệnh của đơn vị.

"Chúng tôi mong muốn một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện đấu thầu, mua sắm sẽ được các bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo thời gian tới để làm sao công tác đầu thầu, mua sắm trong y tế được thuận lợi nhất, phù hợp với đặc thù", ông Hải nói.

Rút ngắn thời gian quy định trong quy trình đấu thầu, mua sắm của bệnh viện

Sau đại dịch Covid-19, số bệnh nhân đến khám, phẫu thuật ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tăng lên khoảng 200%, trong khi quy định về mua sắm đấu thầu chỉ được vượt 130%.

Trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, cùng đó nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1-2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của bệnh viện.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, để ứng phó với tình trạng này, bệnh viện đã phân loại rõ những trường hợp cấp cứu phải tuyệt đối ưu tiên.

Theo đó, những gì thuộc về quy định của pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thì phải tuân thủ. Những nội dung thuộc quy định của bệnh viện, ban lãnh đạo thống nhất cần phải rà soát, nếu những nội dung nào có thể rút ngắn để đẩy nhanh tiến độ mua sắm, phải rút ngắn ngay.

"Trên thực tế, thời gian qua nhiều quy định trong quy trình đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đã được rút ngắn. Cùng đó, Ban Giám đốc giao các nhóm chuyên môn cụ thể như nhóm dược, nhóm vật tư có khoảng thời gian nhất định để thực hiện các công đoạn của việc đấu thầu, mua sắm", Tiến sĩ Hùng nói.

Song song đó, bệnh viện yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm phải báo cáo số liệu, đề xuất cụ thể. Ví dụ một số vật tư chỉ còn khoảng 3 ngày là hết, đơn vị phải gửi báo cáo về bộ phận vật tư, sau đó Ban Giám đốc hội ý, họp Hội đồng Khoa học để bàn thảo, nhận định việc thiếu này là thực sự cấp thiết, có ảnh hưởng đến cấp cứu, chữa trị bệnh nhân nặng, hồi sức hay không...

Khi tập thể thống nhất việc này là cấp thiết và quyết định hình thức mua sắm theo tình huống khẩn cấp, Bệnh viện sẽ giao bộ phận chuyên môn tiến hành mua sắm để sớm có vật tư theo quy định.

Với đầu thầu thuốc, Tiến sĩ Dương Đức Hùng cho hay, bệnh viện vận dụng cơ chế đặc thù. Đơn cử thí dụ với thuốc paracetamol trên thị trường hiện có muôn hình vạn trạng, khi đấu thầu mua sắm nếu không có hàng, bệnh viện vận dụng có thể mua thay thế cùng hoạt chất.

"Riêng thuốc thải ghép dùng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương sau ghép tạng theo dõi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đây là chỗ chúng tôi lo nhất nhưng rất may mắn thuốc cho nhóm người bệnh đặc thù này vẫn bảo đảm", Tiến sĩ Hùng nói.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top