Góc nhìn nghị trường: Ưu tiên thúc đẩy phát triển dược liệu Việt Nam

08:21 - Thứ Bảy, 29/06/2024 Lượt xem: 4336 In bài viết

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo đảm an ninh y tế nói chung, do đó, chính sách ưu đãi cần đột phá, đủ mạnh, đồng bộ, khả thi.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, để phát triển công nghiệp dược trong nước thì cần phát huy thế mạnh của nước ta về dược liệu và đông y, thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn mờ nhạt, chưa đủ để phát triển lĩnh vực này.

Với xu thế chung toàn cầu về việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, dược liệu trở thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống thảo dược. Nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao. Do đó, việc phát triển dược liệu không chỉ nâng cao vai trò của ngành dược, không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần  bảo đảm cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế.

 Sơ chế dược liệu tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu trong khu vực Đông Nam Á với gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc. Tuy nhiên việc phát triển cây dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra không ổn định, chưa có nhiều vùng phát triển theo chuỗi giá trị, nhiều loại dược liệu được trồng theo quy hoạch nhưng khi thu hoạch lại không có thị trường đầu ra. Những năm qua, công tác phát triển dược liệu nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với một số chính sách hỗ trợ phát triển như chính sách về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu nhưng vẫn còn khó khăn trong việc mở rộng vùng trồng.

Đối với các tỉnh có diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ lớn, việc bảo vệ rừng gắn với khai thác nguồn lợi từ rừng hiện nay chưa hiệu quả. Do vậy, cần có quy định về chính sách ưu đãi cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện sản xuất theo liên kết chuỗi gắn với các vùng nguyên liệu dược.

Mặt khác, hầu hết loài cây dược liệu đều sinh trưởng bên trong rừng phòng hộ, dưới tán rừng - vốn là địa bàn miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc phát triển ngành dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Do vậy cần có thêm nhiều chính sách phát triển ngành dược gắn với việc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào trong vùng.                         

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top