Đồng hành với người dân biên giới

07:34 - Thứ Ba, 10/01/2023 Lượt xem: 4609 In bài viết

ĐBP - Hơn 20 năm đứng chân trên vùng biên giới cực Tây Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà còn tham gia xây dựng hệ thống chính trị địa phương, tích cực triển khai các mô hình, dự án phát triển kinh tế, tạo sinh kế giúp người dân biên giới tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Thiếu tá Nguyễn Việt Tiến, nhân viên Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1 hướng dẫn người dân bản Chiềng Nưa kỹ thuật phòng trị bệnh cho cây rau.

Nhiều mô hình hiệu quả

Năm 2002, hơn 140 hộ dân ở huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) về tái định cư tại bản Chiềng Nưa (xã Si Pa Phìn, huyện Mường Chà - nay là huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) để nhường đất xây dựng dự án thủy điện. Tái định cư ở nơi hoàn toàn xa lạ, đất ở và đất sản xuất ít khiến đời sống người dân khó khăn. Một thời gian dài sau đó, các hộ dân ở đây vẫn loay hoay với bài toán sinh kế để ổn định cuộc sống sau tái định cư. Năm 2019, sau khi nắm tình hình cơ sở, Thiếu tá Nguyễn Việt Tiến, nhân viên Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 nhận thấy nhu cầu về rau xanh ở bản Chiềng Nưa và các bản lân cận rất lớn tuy nhiên cả bản không hộ nào trồng rau. Rau phải nhập từ  TP. Điện Biên Phủ vào trung tâm xã rồi phân phối đi các bản.

Thiếu tá Nguyễn Việt Tiến chia sẻ: “Nhận thấy điểm nghịch lý ấy, tôi đã đến nhiều hộ dân hỏi trực tiếp và được bà con trả lời rằng từ khi tái định cư về đây, họ đã trồng rất nhiều loại cây và nuôi nhiều loại con nhưng đều thất bại. Ngay thời điểm đó, tôi đã có ý tưởng xây dựng mô hình trồng rau xanh ở bản Chiềng Nưa.” . 

Thiếu tá Nguyễn Việt Tiến đã nhiều lần đến bản Chiềng Nưa “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động các hộ dân tham gia “câu lạc bộ rau sạch” của bản. Mới đầu, câu lạc bộ chỉ có khoảng 10 hộ tham gia. Sau đó Thiếu tá Tiến đưa người dân đến thăm vườn rau tăng gia của Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1. Bà con được cán bộ, nhân viên trong đội phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho các loại rau, củ theo từng mùa trong năm. Đồng thời tặng hạt giống cho người dân về trồng.

Bà Mào Thị Vóng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ rau xanh bản Chiềng Nưa cho biết: Thời điểm năm 2019, toàn bộ diện tích đất ở bản đều là đất mới ủi, không có đất màu nên không thể trồng rau ngay. Nhiều ngày liền, cán bộ Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1 đã xuống từng hộ hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, cùng người dân cải tạo đất, trồng và chăm sóc rau đến khi vườn rau cho thu hoạch vụ đầu tiên. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn rau cho năng suất cao. Những cây rau xanh mướt được thu hoạch trong niềm hân hoan của dân bản. Sau khi thử nghiệm thành công, mô hình thu hút nhiều hộ dân tham gia. Đến nay, câu lạc bộ rau xanh Chiềng Nưa đã có 39 thành viên. Mỗi hộ đều có khoảng 400m2 - 600m2 đất trồng rau sạch. Những vườn rau không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà còn xuất bán ra chợ khu vực trung tâm xã và các trường học trên địa bàn. Trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/vụ rau.

Mô hình rau sạch tại bản Chiềng Nưa chỉ là một trong nhiều mô hình sinh kế hiệu quả do Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1 triển khai tại xã biên giới Si Pa Phìn. Hàng năm, cán bộ của đội thường xuyên bám nắm địa bàn, khảo sát nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân sau đó xây dựng kế hoạch, triển khai các mô hình điểm hiệu quả để người dân học tập, nhân rộng. Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đội đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi đại gia súc, giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, thoát nghèo. Riêng năm 2022, Đội đã triển khai 5 mô hình chăn nuôi đại gia súc.

Chúng tôi cùng Thiếu tá Nguyễn Việt Tiến đến tham quan mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình ông Lý Dúa Vàng, bản Nậm Chim 2, xã Si Pa Phìn. Ông Vàng cho biết: Giữa năm nay, tôi vừa bán 6 con trâu để lấy tiền cho con trai dựng nhà, tách hộ. Hiện tại, gia đình tôi còn 7 con trâu. Trước đây, nhà tôi quanh năm chỉ biết làm nương. Sau khi Đội sản xuất về địa bàn, cán bộ đã hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc. Bộ đội dạy cách làm chuồng trại, nuôi trâu chăn dắt và trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho trâu. Nhờ đó, đàn trâu ít bị bệnh, lớn và tăng đàn nhanh, kinh tế gia đình tôi từng bước khá lên và thoát nghèo bền vững.

Những “kỹ sư nông nghiệp” không chuyên

Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379  quản lý 5 xã biên giới gồm: Si Pa Phìn, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) và Ma Thì Hồ, Na Sang, Mường Mươn (huyện Mường Chà). Những năm qua, Đội đã triển khai nhiều lớp tập huấn và mô hình sinh kế về trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả. Từng cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tự tìm tòi, học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để chia sẻ, chuyển giao và đồng hành cùng người dân vùng biên giới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thiếu tá Sa Mi Ca, Phó đội trưởng Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1 cho biết: Giúp dân thoát nghèo không phải là cho người dân một vài tạ gạo, mấy con bò, con lợn giống. Đối với đồng bào dân tộc miền núi, việc giúp dân thoát nghèo khó hơn nhiều, không chỉ dừng ở việc hỗ trợ giống mà căn bản phải giúp dân thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất mới mang lại hiệu quả bền vững. Để làm được điều đó, bộ đội phải có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, mang trong mình nhiệt huyết, tinh thần cống hiến cầm tay chỉ việc cho dân. Những năm qua, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ nhân viên Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1 đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung trong quá trình đào tạo, huấn luyện quân sự, quốc phòng không được trang bị kiến thức về nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, sau khi về địa bàn, mỗi cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực tìm hiểu, trang bị thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để giúp dân. Quả ngọt là những mô hình sinh kế hiệu quả được nhân rộng; người dân thay đổi tư duy sản xuất, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống.

Thiếu tá Nguyễn Việt Tiến cho biết: Mỗi khi đơn vị có kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, tôi dành nhiều đêm để tìm và nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị giáo án, cách truyền đạt sao cho đơn giản, dễ hiểu nhất để người dân dễ tiếp thu, vận dụng. Đối với những loại sâu bệnh, dịch hại mới, khả năng lây lan nhanh, ảnh hưởng tới năng suất tôi luôn lắng nghe, tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng, ghi chú vào một cuốn sổ tay để chủ động khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn hoặc khi người dân cần sự hỗ trợ. Đơn cử như năm 2020 - 2021, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, tôi thường xuyên cập nhật thông tin về triệu chứng, diễn biến bệnh và các giải pháp phòng bệnh. Khi địa bàn có lợn chết bất thường, người dân thông báo về triệu chứng, tôi nhận định ngay là dịch bệnh đã xâm nhập vào địa bàn. Tôi cùng thú y xã đến điểm xảy ra dịch hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, tiêu hủy lợn bị chết, vệ sinh tiêu độc khử trùng... hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

Ông Vàng Văn Sếnh, bản Chiềng Nưa, xã Si Pa Phìn cho biết: Nhờ cán bộ Đội sản xuất, gia đình tôi đã xây dựng thành công mô hình nuôi lợn thịt. Được bộ đội hướng dẫn cách phòng bệnh mà gia đình tôi hạn chế thiệt hại trong đợt dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, mô hình lợn thịt của gia đình phát triển tốt, mỗi năm xuất chuồng 2 - 3 lứa, thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng. Cán bộ Đội sản xuất là những “kỹ sư nông nghiệp” của người dân vùng biên giới.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top